Ùn tắc tại nhiều cây xăng
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sáng 10/10, rất nhiều cây xăng của COMECO không bán hàng, nhân viên ngồi chơi. Còn tại tất cả cây xăng thuộc PETROLIMEX, khách hàng muốn đổ bao nhiêu cũng được.
Tương tự, tại các cây xăng SATRA thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV do thương nhân phân phối xăng dầu - Công ty CP TM - DV Cần Giờ đứng bán và các cây xăng STS Petro - Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn cũng không hạn chế số lượng xăng mà người tiêu dùng cần đổ vào xe. Do đó, tại các cây xăng của cả 3 hệ thống nêu trên có lượng người tập trung vào đổ đông, dẫn đến ùn tắc xe ngay trong khuôn viên cây xăng. Người đến mua phải chờ từ 15 - 20 phút mới đến lượt dù các cây xăng đã điều tất cả nhân viên đứng tại các trụ bơm phục vụ khách hàng.
Đến chiều ngày 10/10, theo thông tin từ Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP có 58 cây xăng đã tạm ngừng hoạt động vì nguồn cung ứng bị gián đoạn, chỉ còn dầu, không còn xăng để bán.
Trong 58 cây xăng tạm ngừng hoạt động có tới 14 cây xăng thuộc Công ty CP Vật tư - Xăng dầu (COMECO), số ít còn lại là của các thương nhân nhỏ. Hiện vẫn còn 486 cây xăng trên địa bàn hoạt động bình thường. Bà Thái Thị Hồng Sen - Chánh Văn phòng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sáng 10/10, UBND TP đã họp và kiến nghị với Bộ Công Thương về những khó khăn trong cơ chế điều chỉnh giá. Đối với 58 cây xăng tạm ngừng chỉ là ngừng cục bộ, vì họ vẫn bán dầu, không bán xăng do nguồn cung ứng xăng chưa kịp đưa về.
Tại tỉnh Đồng Nai, phóng viên ghi nhận nhiều cây xăng tại TP Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành, Định Quán… tạm ngừng hoạt động, treo bảng “chờ nhập xăng”, “hết xăng, còn dầu”. Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương Đồng Nai, đến ngày 10/10, trên địa bàn tỉnh có gần 50 cây xăng báo hết xăng, trong đó có 5 cửa hàng hết cả xăng lẫn dầu.
Theo nhiều quản lý cây xăng, nguyên nhân do nguồn cung ứng xăng, dầu từ các thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoặc không kịp cung ứng cho các cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, mức chiết khấu hoa hồng quá thấp, không được tính vào giá bán khiến nhiều DN bán xăng, dầu gặp nhiều khó khăn, lỗ vốn.
Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa chưa phát hiện “găm hàng”
Cũng theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, trước đó vào ngày 7/10, có 4 thương nhân phân phối xăng, dầu (Công ty CP TM - DV Cần Giờ, Công CP Thương mại dầu khí Đồng Nai, Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP TM-DV Dầu khí Hải Phát) có văn bản gửi các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng, dầu nêu rõ tình trạng khó khăn về nguồn hàng và mong khách hàng chia sẻ khó khăn để duy trì hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có hơn 400 cây xăng. Cục QLTT tỉnh đã triển khai trực 24/24 để kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cây xăng trên địa bàn, chưa phát hiện cây xăng nào có hiện tượng “găm hàng”, đóng cửa không có lý do hoặc không được đồng ý của Sở Công Thương bằng văn bản. Nếu phát hiện đơn vị nào còn xăng nhưng không bán, sẽ xử nghiêm theo quy định.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận cũng không có tình trạng “găm hàng” hay bán xăng dầu “nhỏ giọt”, chủ các phương tiện đổ đầy bình ngay tại các cây xăng. Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính đến nay đã thực hiện 2.650 lượt giám sát cơ sở kinh doanh xăng, dầu và không phát hiện trường hợp đầu cơ, găm hàng, ngừng bán bất hợp lý hay hạn chế lượng hàng bán ra.
Cũng trong ngày 10/10, ghi nhận của phóng viên tại tỉnh Bình Dương vẫn xảy ra tình trạng nhiều cây xăng trên địa bàn bán cầm chừng, bán theo giờ hoặc treo bảng “hết xăng, còn dầu”.
Tại các cây xăng gần các khu dân cư, người tiêu dùng không những phải chờ khá lâu mới đến lượt được bán xăng, mà còn bị khống chế chỉ bán 30.000 đồng/xe máy. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, những quản lý các cây xăng đều trả lời cùng nội dung “trên địa bàn có nhiều cửa hàng dừng hoạt động do không đủ điều kiện pháp lý. Vì vậy, khách hàng đổ dồn về cửa hàng đang mở cửa.
Trong khi xe chở hàng (xăng, dầu) chỉ nhận và cấp phát theo định mức nên xe phải ghé nhiều nơi khiến cửa hàng bị hết hàng cục bộ”. Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, xác nhận: “Sở Công Thương và Cục QLTT liên tục kiểm tra, chưa phát hiện việc găm hàng, mà do hết hàng hoặc đang chờ nhập hàng”.
Xử nghiêm doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu vi phạm
Liên quan đến tình trạng thiếu xăng tại nhiều cây xăng ở một số tỉnh, thành phía Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục QLTT ra văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành tiếp tục giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu.
Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng, dầu, yêu cầu các đơn vị, gồm: DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng, dầu; thương nhân phân phối; thương nhân làm Tổng đại lý; thương nhân nhận quyền bán lẻ; đại lý bán lẻ xăng, dầu phải hoạt động đúng với nội dung ghi trên giấy xác nhận đủ điều kiện, đảm bảo nguồn cung ứng xăng, dầu trên địa bàn.
Đối với các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu tạm ngừng hoạt động, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra nguyên nhân, lý do tạm ngừng, kiên quyết xử nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân loại hình nào. Đồng thời thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Theo nhiều DN kinh doanh xăng, dầu, nguyên nhân thị trường xăng, dầu bất ổn trong những ngày qua là do việc điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính.
Các DN cho biết, theo Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu, thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng, dầu ra không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan Nhà nước công bố. Tuy nhiên, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã để xảy ra tình trạng chiết khấu âm, có nghĩa khi cộng phí vận chuyển thì DN bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định.
Các DN cũng cho rằng, việc bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là cần thiết, đặc biệt xăng, dầu. Nhưng tư duy luôn kìm hãm giá vì muốn sử dụng hàng hóa giá thấp hơn thị trường là không phù hợp.
Ví như giá xăng, dầu, giá thị trường 20.000 đồng/lít nhưng nhà điều hành muốn giá xuống 19.000 đồng/lít, dẫn đến không tính đúng, không tính đủ chi phí trong giá cơ sở, khiến DN bán lẻ phải chịu tình trạng mua vào giá cao hơn giá bán ra.
“Có những giai đoạn DN bán lẻ càng bán càng lỗ, mà vẫn phải bán nhưng không ai bù lỗ, dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra” - đơn của các DN nêu.