Nhiều đại học top đầu chọn tổ hợp môn thi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi THPT quốc gia; cùng với khối thi truyền thống là tổ hợp môn để sát với ngành đào tạo, có điều kiện cần để xét tuyển từ khá trở lên là những tiêu chí được nhiều trường đại học top trên đưa ra khi căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển sinh năm 2015.

Mới trong cũ

Mùa tuyển sinh 2015, ĐH Bách khoa Hà Nội không tổ chức kỳ thi bổ sung mà sử dụng hoàn toàn dữ liệu thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT để xét tuyển. Và, trường chỉ lấy kết quả thi cụm do các trường ĐH chủ trì coi thi và chấm thi. Nhiều trường ĐH khác cũng có lựa chọn giống Bách khoa Hà Nội. Giải thích cho việc này, ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, các cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì chỉ giới hạn có 4 môn thi, trong khi nhà trường tổ hợp các môn phong phú. Bao gồm, khối A, A1, A2 và D1 (Toán, Lý, Hóa; Toán, Lý, Anh; Toán, Hóa, Anh và Toán, Văn, Anh) để xét tuyển cho 33 ngành đào tạo. “Ngành Hóa học trước đây thi tuyển khối A sẽ được bổ sung khối A2 (Toán, Hóa, Anh); ngành Công nghệ sinh học và ngành Công nghệ thực phẩm được bổ sung khối B (Toán, Hóa, Sinh). Môn Toán sẽ được chọn nhấn mạnh (nhân hệ số 2) cho đa số các khối. Việc chọn tổ hợp môn giúp các em chỉ cần thi thêm 1 hoặc 2 môn tự chọn, ngoài 3 môn bắt buộc”- ông Điền cho biết.
Thí sinh thi đại học 2014. Ảnh: Văn Chiến.
Thí sinh thi đại học 2014. Ảnh: Văn Chiến.
Cũng lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tuyển, ông Tô Ngọc Hưng - Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: “Học viện có 4 tổ hợp môn để tạo thuận lợi cho thí sinh và phù hợp với quy định của Bộ GD&ĐT. Cụ thể lần lượt là Toán, Lý, Anh (khối A1); Toán, Anh, Ngữ văn (khối D1); Toán, Hóa, Anh; Toán, Lý, Hóa (khối A). Tổ hợp 2 sẽ sử dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh, 3 tổ hợp khác sẽ áp dụng cho các ngành đào tạo còn lại”.

Sau nhiều lần tổ chức hội nghị góp ý với dự thảo 4 phương án, ĐH Thương mại chốt hai nhóm tổ hợp môn để tuyển sinh ĐH. Ông Bùi Xuân Nhàn - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi xét tuyển 5 ngành theo tổ hợp 1 Toán, Vật lý, Tiếng Anh (khối A1) là Kinh tế, Kế toán, Thương mại điện tử, Quản trị nhân lực, Hệ thống thông tin quản lý; tổ hợp 2 Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho các ngành khác. Trong số tất cả các ngành, chỉ có Ngôn ngữ Anh có môn chính nhân hệ số”.

Theo ông Xuân Nhàn, việc chọn 2 tổ hợp phù hợp với khối truyền thống của trường bởi các ngành đào tạo là kinh tế nên có sự tương đồng nhau. Các em thí sinh cũng có thuận lợi, chỉ cần thi 1 môn Vật lý ngoài 3 môn bắt buộc là ổn.  

Truyền thống để…ổn định

Bên cạnh những trường có thêm tổ hợp môn mới, là các trường vẫn trung thành với khối thi đã được áp dụng cho các ngành từ những năm trước. Ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết năm 2015 trường vẫn lựa chọn khối B (Toán, Sinh, Hóa) như mấy chục năm trước. Cùng với đó có kèm theo điều kiện sơ tuyển đầu vào, tổng điểm 3 môn Toán – Hóa - Sinh trong 5 học kỳ phải từ 21 trở lên”.

Cũng giống như ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương về cơ bản khối thi vẫn như năm trước. “Trường có khối A, A1 và khối D. Các ngành Ngôn ngữ khối D có môn chính là Ngoại ngữ nhân hệ số 2. Một điều kiện cần để thí sinh đăng ký vào trường là điểm trung bình chung học tập của 3 năm học phổ thông là phải từ 6,5 trở lên”- ông Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết. Còn ĐH Hà Nội xét tuyển  3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ cho hầu hết tất cả các ngành và ngoại ngữ là môn thi chính nhân hệ số 2 cho tất cả các môn, riêng ngành Công nghệ thông tin tính điểm hệ số 1. ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến xem xét điểm trung bình 3 môn học thuộc tổ hợp môn thi được chọn (trong 6 học kỳ (THPT) từ 20 điểm trở lên là điều kiện cần khi đăng ký xét tuyển.

Vẫn khối thi cũ, không xét học bạ, sử dụng 100% kết quả thi THPT quốc gia là nguyên tắc của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Ông Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện, phụ trách thông tin của trường cho biết, chúng tôi không xét học bạ vì chưa tin tưởng ở mức độ cao. Các em thi ở cụm do sở GD&ĐT tổ chức là vì mục đích khác nên chúng tôi sẽ không lấy những đối tượng này. Học viện cũng không chọn môn chính cho từng khối thi để nhân hệ số bởi rất phức tạp và không giải quyết được vấn đề. Thông thường điểm thi môn Toán, Lý, Hóa cũng ở mức gần ngang nhau, chứ hiếm khi có môn thì điểm rất cao, môn lại quá thấp.

Phải khẳng định việc phong phú tổ hợp môn của các trường, tạo nhiều cơ hội lựa chọn ngành và trường thi cho thí sinh. Tuy nhiên, dự kiến mỗi đợt xét tuyển mỗi người chỉ có 1 cơ hội trúng tuyển do đó các thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể của từng trường để có quyết định phù hợp.