Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều di tích ở ngoại thành đang xuống cấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đình Chử Xá (huyện Gia Lâm) và Chùa Sổ (huyện Thanh Oai) là hai trong số hàng ngàn di tích lịch sử cấp quốc gia hiện bị xuống cấp, cần được tu bổ trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những công trình này hiện chưa được quan tâm đúng mức và đang đứng trước nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đối với những người thực sự trân trọng giá trị của các di tích này, mùa mưa bão tới mang theo quá nhiều nỗi âu lo.

Tan hoang, rệu rã

Nằm bên bờ hữu sông Hồng, đình Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), nơi thờ Đức Thánh Chử Đồng Tử - một trong "tứ bất tử" trong truyền thuyết của dân tộc  Việt Nam, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Theo quan sát của phóng viên, phần cột, hoành, rui bị mối mọt, tróc, vỡ nhiều mảng. Kết cấu của ngôi đình bị ruỗng nát. Hệ thống án, kiệu thờ, bài vị, lỗ bộ,… cũng bị xiêu vẹo. Phần mái đình nhiều chỗ bị dột, ngay cả khi trời mưa không quá to. Chưa hết, phần tường bao xung quanh khuôn viên đình cũng bị nứt vỡ từng mảng lớn. Ông Trần Văn Đắc, người trông đình hơn 10 năm qua cho biết, do nằm ngoài đê sông Hồng nên nhiều năm trước, đình Chử Xá thường xuyên bị ngập lụt, ảnh hưởng tới kết cầu nền móng. Dù đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990, tuy nhiên, từ đó đến nay đình chưa một lần được trùng tu.

 
Tường bao đình Chử Xá, huyện Gia Lâm bị nứt vỡ.	 Ảnh: Lâm nguyễn
Tường bao đình Chử Xá, huyện Gia Lâm bị nứt vỡ. Ảnh: Lâm nguyễn
So với đình Chử Xá, tình trạng Chùa Sổ, hay còn gọi là Hội Lim quán, tọa lạc tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, thậm chí còn bi đát hơn. Chùa có niên đại từ thời nhà Mạc (năm 1527), được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1986 nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đặt chân tới ngôi chùa này vào một ngày đầu tháng Bảy, chúng tôi được chứng kiến cảnh tượng hết sức tan hoang. Chùa nằm giữa cánh đồng, xung quanh là hàng trăm ngôi mộ lớn bé. Do vắng người qua lại nên di tích không khác gì chùa bỏ hoang. Cỏ dại mọc um tùm, có nơi cao tới 1m. Trận mưa lớn trước đó ít giờ khiến nhiều nơi trong khuôn viên chùa bị ngập nước. Phía trước chùa chính, người dân mang rơm rạ ra phơi… như sân nhà! Phần mái nhiều chỗ bị xô lệch, nứt, vỡ. Các chân cột lớn đều bị mục do mối mọt và ẩm thấp. Do nằm giữa cánh đồng, không có đường điện, lại thiếu nơi ngủ nghỉ, hương hỏa… nên việc quản lý Chùa Sổ hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Phải chờ kinh phí

Sự xuống cấp của những di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng như đình Chử Xá và Chùa Sổ khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Bởi, khi mùa mưa bão tới, những công trình này sẽ đối diện với nguy cơ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, thậm chí là đổ sập bất cứ lúc nào. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì dường như vẫn đang loay hoay với những dự án tu bổ.    

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Thuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, hiện trên địa bàn huyện còn tới 12 di tích được đánh giá là xuống cấp nghiêm trọng, cần được tu sửa cấp bách, trong đó có đình Chử Xá. Tuy nhiên, do ngân sách của huyện có hạn nên chưa thể tu bổ các di tích một cách tổng thể. Riêng đối với đình Chử Xá, di tích lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa người Việt, UBND huyện đã có văn bản báo cáo UBND TP đề nghị đầu tư kinh phí hỗ trợ việc tu bổ, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi. Không thể ngồi yên trước tình trạng xuống cấp của đình Chử Xá, nhất là khi mùa mưa bão tới gần, người dân trong thôn đã tự đóng góp tiền, mua cột gỗ về để chống tạm, dự ứng lực với các cột đình bị mối mọt nghiêm trọng để chống chịu qua mùa mưa bão. Trước đó, tháng 11/2013, người dân trong thôn cũng đã tự nguyện quyên góp tiền để thuê thợ lợp lại nhiều phần mái đình bị xô lệch. Sắp tới, phần tường bao bị nứt, vỡ cũng sẽ được người dân chung tay cải tạo.

 Sư thầy Thích Tâm Đức - trụ trì Chùa Sổ cho biết, năm 2010, UBND xã Tân Ước đã phối hợp với Phòng Văn hóa - thông tin huyện Thanh Oai đến khảo sát các hạng mục xuống cấp của Chùa Sổ để lên kế hoạch trùng tu. Nhưng mãi đến tháng 5/2013 mới có văn bản của Cục Di sản (Bộ VHTT&DL) về việc trùng tu. Đến giữa tháng 3/2014, UBND huyện Thanh Oai mới có quyết định chính thức về việc trùng tu di tích này. Tuy nhiên, việc trùng tu sẽ không thể thực hiện được trước thời điểm mùa mưa bão năm nay. Nguyên nhân là dù đã có quyết định về việc trùng tu nhưng phải chờ chỉ đạo của cấp trên về thời gian tiến hành và kêu gọi nguồn vốn đối ứng xã hội hóa trong Nhân dân.Cũng theo sư thầy trụ trì Thích Tâm Đức, những năm qua, nhờ tấm lòng của các nhà hảo tâm, Chùa Sổ đã được tu sửa một vài lần nhưng theo kiểu "da beo". Điều này đã vô tình khiến ngôi chùa càng thêm phần nhếch nhác. Theo quan sát, hiện, lầu bảo tháp 18 mái, có tượng phật nghìn mắt nghìn tay do một gia đình công đức đang được xây dựng trong khuôn viên chùa. Tuy nhiên, công trình này hẳn sẽ trở nên rất lạc lõng trong bối cảnh xuống cấp chung của ngôi chùa.