Chiều nay, 31/12, trong cuộc họp báo đột xuất do Bộ Nội vụ tổ chức, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh đã cung cấp một số thông tin đáng chú ý về những điểm mới trong Nghị định số 177/2024/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành hôm nay, quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Theo Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, thực hiện nhiệm vụ Ban cán sự đảng Chính phủ giao tại Công văn 2969-CV/BCSĐCP và ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình giao, Bộ Nội vụ đã khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 26/2015/NĐ-CP theo trình tự thủ tục, rút gọn để kịp thời ban hành chính sách phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Mục tiêu của Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ sau Đại hội Đảng bộ các cấp và cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo Thông báo Kết luận số 20-TB/KL ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị.
Cùng đó, xây dựng chính sách phù hợp để động viên, ghi nhận quá trình công tác, công hiến của cán bộ không đủ tuổi tái cử có nguyện vọng nghỉ công tác; giải quyết những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ.
Đáng chú ý, có 3 nhóm đối tượng hưởng chế độ, chính sách tại Nghị định này. Một là, nhóm không đủ tuổi tái cử (còn dưới 30 tháng tính từ thời điểm đại hội đến thời điểm nghỉ hưu), gồm: cán bộ giữ chức vụ, chức danh chuyên trách do bầu cử (khoản 1 Điều 2); giữ quy định như Nghị định 26/2015/NĐ-CP, đồng thời bổ sung quy định đối tượng này bao gồm cả cán bộ quy định tại khoản này áp dụng đối với cả trường hợp cán bộ đủ điều kiện về tuổi tái cử cấp ủy nhưng không đủ tuổi tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, MTTQ Việt Nam, tổ chức CT-XH tại thời điểm bầu cử, đại hội cùng cấp để bầu các chức danh đó.
Việc bổ sung quy định nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, theo đó do thời gian tổ chức đại hội của các cơ quan tiến hành tại các thời điểm khác nhau dẫn đến có trường hợp đủ tuổi tái cử ở cơ quan, tổ chức nơi công tác nhưng không đủ tuổi tái cử cấp ủy. Theo đó, đối tượng này cũng sẽ được áp dụng chế độ thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi.
Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc QĐND và CAND giữ chức vụ, chức danh thuộc cơ cấu tham gia cấp ủy, ủy viên chuyên trách UBKT cùng cấp (khoản 2 Điều 2); bổ sung thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định để cải cách TTHC, các cơ quan liên quan không phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành mà có thể thực hiện được ngay khi Nghị định được ban hành, giải quyết ngay đối với các trường hợp thuộc lực lượng vũ trang.
Công chức giữ chức vụ bổ nhiệm có thời hạn mà chức vụ đang giữ thuộc cơ cấu tham gia cấp ủy cùng cấp (khoản 3 Điều 2). Bổ sung để giải quyết vướng mắc trên thực tiễn, theo đó có một số chức vụ, chức danh thuộc khối nhà nước (là công chức) nhưng gắn với tiêu chuẩn, điều kiện phải đủ tuổi tái cử cấp ủy.
Hai là, nhóm còn đủ tuổi tái cử (từ 30 tháng đến 60 tháng): các trường hợp có thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu tổ chức Đại hội còn từ 30 tháng đến 60 tháng thì đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vì sắp xếp nhân sự cấp ủy, bản thân có nguyện vọng nghỉ hưu và được cấp có thẩm quyền đồng ý (khoản 4 Điều 2); bổ sung quy định theo chủ trương của Bộ Chính trị, theo đó đối với trường hợp tự nguyện thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi thì có cơ chế để động viên, khuyến khích, giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm.
Ba là, nhóm cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý được cấp có thẩm quyền cho nghỉ công tác, nghỉ hưu theo Thông báo Kết luận số 20-TB/KL ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị (khoản 5 Điều 2).
Đồng thời, bổ sung quy định theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, tạo cơ sở pháp lý để giải quyết đối với các trường hợp diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có vi phạm, được cấp có thẩm quyền cho thôi việc, nghỉ hưu sớm; bổ sung quy định cho phép áp dụng chế độ đối với trường hợp không bị xử lý kỷ luật nhưng có nguyện vọng thôi việc, nghỉ hưu sớm.
Cùng đó, quy định xử lý đối với các trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu trước ngày nghị định này có hiệu lực để giải quyết vướng mắc đối với một số trường hợp đã thôi việc, nghỉ hưu trong thời gian vừa qua.
Về chế độ, chính sách, Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức thông tin, Nghị định này quy định 2 chính sách cụ thể, đó là về chế độ nghỉ hưu trước tuổi và chế độ nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, bỏ chính sách tiếp tục công tác cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để giải quyết thực tiễn, theo đó đối với nhiều trường hợp không đủ tuổi tái cử nhưng vẫn lựa chọn ở lại công tác sẽ rất khó sắp xếp, bố trí vị trí công tác; khuyến khích hưởng chế độ để thôi việc, nghỉ hưu ngay.
Các chế độ, chính sách áp dụng đối với người không đủ tuổi tái cử nghỉ hưu trước tuổi tăng hơn so với Nghị định hiện hành theo nguyên tắc cao hơn so với tinh giản biên chế. Cụ thể, so tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng hiện hưởng cho 20 năm hoặc 15 năm đầu công tác có đóng BHXH; từ năm tiếp theo được hưởng 0,5 tháng tiền lương/năm có đóng BHXH; không bị trừ tỷ lệ lương hưu đối với thời gian nghỉ hưu trước tuổi; tăng từ 3 tháng bình quân lên 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Theo ông Nguyễn Tuấn Ninh, quá trình xây dựng Nghị định này, các đơn vị trong Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ bảo đảm các chính sách, chế độ của Chính phủ ban hành trong bối cảnh đang tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Do vậy, Nghị định đã quy định “trường hợp đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đồng thời thuộc đối tượng áp dụng chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thì được lựa chọn hưởng chính sách, chế độ cao hơn” tại khoản 4 Điều 7.