Nhiều điểm mới trong khám chữa bệnh BHYT

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đối tượng cận nghèo, trước đây phải đồng chi trả 20% giờ giảm xuống còn 5%.

Vấn đề bảo hiểm y tế hay giá cả các loại thuốc là vấn đề sát sườn liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân. Chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này trên sóng VOV đã nhận được rất nhiều thư của người dân gửi đến xung quanh việc giá thuốc tăng, rồi những thắc mắc về bảo hiểm y tế.

Trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” tuần này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời người dân về những vấn đề trên.  
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
PV: Câu hỏi đầu tiên xin được chuyển đến Bộ trưởng là của một người dân gửi đến Chương trình: “Bảo hiểm y tế là vấn đề mà những người dân nghèo như chúng tôi rất quan tâm. Nhưng trong thời gian qua chúng tôi thấy có quá nhiều khó khăn, mệt mỏi khi đi khám theo chế độ bảo hiểm y tế. Vì vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào những đổi mới của Luật Bảo hiểm y tế mà dự kiến Quốc hội sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII vào tháng 6 này. Vậy Bộ trưởng có thể cho chúng tôi biết những đổi mới đột phá của Dự thảo Luật sửa đổi lần này là gì? Liệu bảo hiểm y tế có thiết thực hơn với người nghèo như chúng tôi hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Bộ Y tế khi tham mưu để xây dựng Luật Bổ sung điều chỉnh Bảo hiểm lần này luôn đặt quyền lợi của nhân dân, đặc biệt là của người nghèo lên trên. Có những điểm sửa đổi chính: Thứ nhất, thực hiện mua Bảo hiểm là bắt buộc và theo hộ gia đình, trong gia đình càng nhiều người tham gia thì tiền đóng góp mua thẻ Bảo hiểm sẽ càng giảm dần để tiến tới một lộ trình Bảo hiểm y tế toàn dân.

Về mức hưởng, lần sửa này có thay đổi rõ rệt, thứ nhất là đối với người nghèo và  người có công như: Cha, mẹ, vợ, con của liệt sĩ từ chỗ phải đồng chi trả, đối với người nghèo là 5% thì hiện nay không phải chi trả; với đối tượng khi trước phải đồng chi trả 20% thì giờ không cần chi trả. Thứ hai, đối với các đối tượng cận nghèo, trước đây phải đồng chi trả 20% giờ giảm xuống còn 5%.

Đổi mới thứ 3 là mở thông các tuyến khám chữa bệnh, từ 1/1/2016, người dân đặc biệt là các hộ nghèo và các hộ sống ở vùng hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn được quyền khám chữa bệnh thông tuyến, từ tuyến xã lên đến huyện và tuyến tỉnh, Trung ương, có nghĩa là những người sống ở vùng này nếu bị nặng có thể chuyển thẳng lên tuyến Trung ương và được thanh toán hoàn toàn. Đấy là một điểm rất mới để đảm bảo chính sách cho những đối tượng được ưu tiên và mở thông đến tuyến tỉnh và tuyến Trung ương từ năm 2021 trở đi.

Đối với nguồn quỹ khám chữa bệnh (hay chúng ta gọi là két dư) ở các địa phương được trích lại để có nguồn kinh phí nhằm tăng thêm chất lượng khám chữa bệnh, tăng thêm độ bao phủ Bảo hiểm y tế cho nhiều người tiếp cận.

Cùng với những đổi mới như nêu trên, chúng tôi cũng đổi mới một loạt thủ tục hành chính như rút ngắn thời gian chờ đợi và mở thêm nhiều phòng khám, giảm các thủ tục hành chính, đặc biệt ở khoa khám bệnh để người bệnh bớt các thủ tục phiền hà, thu hút người tham gia bảo hiểm y tế nhiều hơn.

PV: Một người dân khác thì cho biết:”Tôi có con nhỏ nên thường phải đi mua thuốc khi cháu bị bệnh, nhưng tôi nhận thấy giá thuốc Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng có thể cho biết nhận định của tôi có đúng hay không? Và tại sao? Thêm nữa tôi thấy giá thuốc thời gian qua vẫn tăng nhiều?  Bộ trưởng cho biết tình hình giá thuốc, thị trường dược phẩm trong thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thời gian qua, giá thuốc cũng có thể tăng chút ít bởi vì giá đầu vào của chúng ta đều tăng. Những khảo sát của một đoàn liên ngành gồm: Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội đi khảo sát 36 mặt hàng thuốc thường dùng thì thấy rằng giá thuốc của chúng ta thấp hơn của Trung Quốc từ 1,5 – 2 lần, và thấp hơn của Thái Lan từ 2,5 -3 lần. Viện Chiến lược chính sách cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp khảo sát theo phương pháp của Tổ chức Y tế Thế giới khoảng 3.000 mặt hàng thì thấy những năm gần đây, tỷ lệ thuốc nội tăng giá rất thấp, còn đối với thuốc biệt dược bên ngoài thì mức tăng trung bình. Đối với thuốc Bảo hiểm y tế, chúng tôi đã thực hiện theo những phương thức đấu thầu rất chặt chẽ để giảm tối đa giá thuốc.

Với thuốc bán ở ngoài các quầy thuốc tự do theo quy luật thị trường phải như vậy, liên bộ gồm có: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã phối hợp và xây dựng khung giá thuốc tối đa và tối thiểu, các nhà thuốc đó phải niêm yết công khai giá đó, nơi nào bán quá khung giá sẽ bị xử lý. Thuốc bán trong các nhà thuốc bệnh viện không phải nguồn thuốc Bảo hiểm y tế thì chỉ được mức lời tối đa từ 5-15%.

PV: Thời gian qua liên bộ Y tế và Tài chính đã ban hành các quy định mới về đấu thầu thuốc. Theo dữ liệu thống kê cho thấy, các quy định mới về đấu thầu thuốc đã giúp giảm giá thuốc 20-30%. Tuy nhiên có nhiều ý kiến hoài nghi giá thuốc trúng thầu giảm như vậy thì liệu chất lượng có được đảm bảo không? Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Cách đây 2 năm liên bộ đã ra Thông tư 11 về đấu thầu và hồ sơ mời thầu, sau đó điều chỉnh thông tư 36, 37 để khắc phục vấn đề giá có thể tăng trong quá trình đấu thầu và tránh trường hợp chất lượng thuốc giảm nếu đấu thầu giá rẻ. Thông tư này đã phân chia thuốc ra thành những nhóm nhỏ ví dụ như nhóm đạt JMP của châu Âu, đối với nhóm đã phát triển ví dụ như Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật… và loại đạt JMP của Tổ chức Y tế Thế giới. Thông tư cũng chia nhóm các loại thuốc đông y, thuốc từ dược liệu ở các nhà máy đạt JMP và chưa đạt JMP. Rồi chia các nhóm thuốc theo nguyên liệu đầu vào.

Và mặt khác nữa là chúng ta phải phụ thuôc vào hội đồng bình chọn thuốc trong bệnh viện, nếu có nhu cầu thuốc biệt dược ngoại nhập thì chúng ta vẫn phải đưa vào danh sách dùng trong bảo hiểm. Còn những thuốc không nhất thiết phải nhập thì chúng ta đấu thầu theo những nguyên tắc như vậy.

Lần đầu tiên trong bao nhiêu năm nay từ khi làm Luật Bảo hiểm, phần chi phí thuốc của bảo hiểm y tế giảm 20-30% và người dân kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo vẫn tiếp cận được với thuốc có chất lượng và giá cả phù hợp.

PV: Một người dân khác gửi câu hỏi đến Bộ trưởng như sau: “Tôi thấy trong thời gian qua, tình hình một số bệnh như sởi, thủy đậu… diễn biến phức tạp, chắc chắn phải gây tăng đột biến nhu cầu sử dụng vaccine. Tôi và nhiều người cùng khu phố cũng có con nhỏ, rất lo lắng không hiểu nếu chẳng may con mình có bị dịch thì liệu có đủ vaccine cho các cháu hay không”?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Tiêm thì có 2 loại, 1 là trong chương trình tiêm chủng mở rộng đối với 11 loại vaccine, 11 loại bệnh trong đó không có thủy đậu. Bộ Y tế và Chính phủ tạo điều kiện để người dân được tiêm hoàn toàn miễn phí kể cả bệnh sởi khi chúng ta mở rộng tiêm đến 10 tuổi trong trường hợp dịch đang lưu hành. Riêng bệnh thủy đậu chúng ta chưa đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, kể cả nhiều nước xung quanh cũng vậy, bởi vì: Thứ nhất là bệnh này chưa thuộc danh mục khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Vaccine dành cho tiêm chủng mở rộng luôn có đầy đủ, nhưng vaccine dịch vụ thì phụ thuộc vào một số yếu tố: Thứ nhất là phải có sự đặt hàng giữa cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm vaccine và các nhà nhập khẩu vaccine. Các nhà nhập khẩu vaccine muốn nhập được vaccine thì ít nhất phải đặt hàng với nhà cung cấp nước ngoài khoảng 6 tháng.

 Thứ hai, phụ thuộc vào cung cầu, nếu như người dân cảm thấy lo sợ về dịch mang con đi tiêm nhiều thì nhu cầu tăng lên và nhiều khi cháy hàng. Nhưng lúc người dân lơ là thì vaccine lại bị tồn kho, và nhiều khi nhà nhập khẩu, nhà sản xuất phải bỏ vaccine đó rất lãng phí vì họ phải bỏ tiền ra để nhập khẩu. 

Thứ ba, trong giai đoạn hiện nay Bộ Y tế cho nhập khẩu tổng cộng khoảng gần 400.000 liều vaccine thủy đậu đã cấp phép cho ngành. Tuy nhiên, vẫn không đủ là bởi vì kể cả một số vaccine khác thì bản thân các nhà sản xuất ở nước ngoài cũng không còn nữa bởi vì, hiện nay dịch sởi, thủy đậu và các bệnh khác cũng xảy ra ở rất nhiều nước và các nước đó cũng đặt hàng trong khi chỉ có một số nhà cung cấp cố định trên thế giới ở Mỹ, Pháp, Bỉ, thì hiện nay họ cũng không còn vaccine để cấp nữa. Bà con có thể tiêm ở chương trình tiêm chủng mở rộng chẳng hạn như: sởi, rubella, còn thủy đậu chắc chắn trong thời gian tới sẽ về sớm, khoảng trong 1 tháng nữa. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần