Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều điểm nghẽn trong phát triển năng lượng tái tạo

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát triển các dự án năng lượng tái tạo là cần thiết và phù hợp song trên thực tế, nhiều địa phương triển khai lại đang gặp khó vì các điểm nghẽn về kỹ thuật, cơ chế, đây là ý kiến của các đại biểu tại hội thảo “Năng lượng tái tạo tại Việt Nam – Từ chính sách tới thực tiễn” diễn ra ngày 27/11.

Trên thực tế, sự mất đồng bộ giữa phát triển nguồn điện mặt trời, điện gió gây ra các điểm nghẽn về truyền tải. Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, tổng công suất lắp đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất điện quốc gia. Con số này vượt rất xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (850 MW điện mặt trời vào năm 2020).

Tuy nhiên, do sự phát triển quá nhanh của các dự án điện tái tạo, trong khi đó hệ thống truyền tải không theo kịp đã dẫn tới sự quá tải nhiều nhà máy phải giảm phát điện tới 60% công suất, gây thất thoát lãng phí.

Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, Quy hoạch điện VII đã đặt kế hoạch đầu tư lưới điện rất lớn trong các năm tới. Theo kế hoạch này, giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn đầu tư lưới điện là 214.000 tỷ đồng và giai đoạn 2021 - 2030 là 610.000 tỷ đồng, với số vốn đầu tư này, EVN khó lòng đáp ứng được về áp lực tài chính. Đây là điểm nghẽn đòi hỏi phải khắc phục trong thời gian tới qua đó kích thích DN đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh để tháo gỡ các điểm nghẽn cần phải có sự đồng bộ trong quy hoạch – từ phát điện, truyền tải điện và bán lẻ.