Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng vi phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Bộ VHTT&DL phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 (Bộ Công an) vừa tiến hành kiểm tra việc tuân thủ pháp luật bản quyền máy tính tại các DN nước ngoài.

Đợt ra quân này được thực hiện ngay sau khi Chính phủ đặt mục tiêu mới nhằm giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm còn 70% trong 5 năm tới, một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

6 đơn vị vừa bị thanh tra đều là DN nước ngoài có quy mô lớn và thương hiệu trên thị trường. Tuy vậy, tại cả 6 DN, lực lượng thanh tra đều phát hiện các phần mềm vi phạm, trong đó số giá trị phần mềm bất hợp pháp lớn nhất lên tới 4 tỷ đồng được tìm thấy tại một DN Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực may mặc và túi nhựa. Qua kiểm tra 536 máy tính, lực lượng chức năng phát hiện tổng số phần mềm không có bản quyền có giá trị lên tới 10 tỷ đồng, lớn nhất từ đầu năm đến nay. Đó là sản phẩm của các hãng Adobe, Autodesk, Lạc Việt, Microsoft.

Đại diện thanh tra cũng tiết lộ, đây là cuộc thanh tra quy mô rộng, được tiến hành tại những DN hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau và đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc… Ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho rằng: Điều đáng lên án là nhiều công ty có tiềm lực tài chính mạnh, hiểu rất rõ Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình trốn tránh mua phần mềm có bản quyền, sử dụng bất hợp pháp "tài sản trí tuệ" của người khác cho mục đích vận hành kinh doanh của DN mình. Còn theo ông Tarun Sawney - Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương Liên minh phần mềm thế giới, chi phí mua phần mềm máy tính chỉ chiếm 5 - 6% tổng chi phí hàng năm của DN, không quá lớn so với chi phí khắc phục sự cố và rủi ro từ phần mềm bất hợp pháp. Trong khi, sử dụng phần mềm hợp pháp mang lại nhiều lợi ích, ít rủi ro về pháp lý, không phải trả tiền phạt khi bị thanh tra, kiểm tra. Đặc biệt, người sử dụng được hỗ trợ về pháp lý, về kỹ thuật như vá phần mềm bị lỗi, không bị nhiễm virus, không có lẫn phần mềm gián điệp, nhất là trong thời kỳ bùng nổ tội phạm công nghệ cao hiện nay... "Quan trọng hơn, phần mềm có bản quyền giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thương hiệu, khẳng định uy tín và tính minh bạch cho đơn vị mình" - ông Tarun Sawney nói.