70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều doanh nghiệp vẫn coi nhẹ văn hóa và đạo đức kinh doanh

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 18/9, Báo Văn hóa phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Chu Thị Thu Hằng – Tổng biên tập Báo Văn hóa – Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh (VHDN&DDKD) là vấn đề thời sự. Chưa bao giờ các DN, doanh nhân được quan tâm như hiện nay. VHDN & DDKD trong bối cảnh thị trường chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại cũng như khẳng định thương hiệu bền vững của DN trên thị trường.
 
Nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với sự xây dựng nền tảng VHDN&DDKD. Đã không ít DN vì lợi nhuận đã bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều DN từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể.
Theo ông Phạm Đức Bình – CEO Công ty CP Công nghệ BNC Việt Nam: Trong doanh nghiệp hiện nay, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào thì xây dựng văn hóa doanh nghiệp đều là nhiệm vụ bắt buộc phải làm nếu muốn phát triển bền vững. Trong đó sự tác động của thương hiệu tới văn hóa là vô cùng to lớn.
Trong thời buổi thị trường thay đổi như vũ bão, việc xây dựng văn hóa DN có lúc bị coi nhẹ. Song song với đó, xây dựng thương hiệu cũng bị coi nhẹ hoặc bị nhận thức sai lệch. Việc chỉ chú trọng đến kết quả kinh doanh trước mắt mắt mà không quan tâm đến hình ảnh là vết đứt trong sự phát triển, làm sự phát triển đó không bền vững, trái ngược với vẻ bề ngoài của sự thành công trước mắt trong kinh doanh hay hoạt động đối ngoại.
Nguyên nhân của thái độ coi nhẹ này thường đến từ lãnh đạo DN. Vì giá trị thương hiệu cũng như giá trị văn hóa khó đo lường, không ít nhà quản lý thường bỏ qua, hoặc ràng buộc nhân viên bằng các quy định và để “văn hóa” phát triển tự phát. Đến một thời điểm, lãnh đạo DN nhận ra đơn vị mình không có bản sắc gì, nhận ra sự chia re, bè phái hay tật xấu của nhân viên đã không thể khắc phục. DN khi đó buộc phải đại phẫu nếu không muốn sụp đổ.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển trong việc xây dựng VHDN&DDKD, ông Johan Alvin, Bí thư thứ 2 - Trưởng Ban thương mại Đại sứ quán Thủy Điển cho rằng: “Yếu tố giúp chúng tôi thành công trong VHDN&DDKD là không câu nệ hình thức trong môi trường DN và trong tổ chức, chúng tôi muốn tạo ra môi trường không có danh giới giữa mọi cá nhân. Bên cạnh đó, khi đưa ra những quyết định giải quyết khó khăn, chúng tôi đều khuyến khích toàn bộ nhân viên, đối tác, đồng nghiệp tham gia vào quá trình đưa ra sáng kiến. Ngoài ra, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giữa mỗi cá nhân trong doanh nghiệp, môi trường thoải mái giúp chúng tôi có tư duy tốt, đưa ra những sáng tạo hiệu quả để phát triển công ty.
Trong khuôn khổ của hội thảo, các chuyên gia về kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp và một số công ty khởi nghiệp tập trung thảo luận với 2 chủ đề: “Làm sao để văn hóa DN không chỉ là khẩu hiệu” và “Đạo đức kinh doanh củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu doanh nghiệp”.