70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều đổi mới trong công tác giáo dục, đào tạo tại huyện Gia Lâm

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của UBND huyện, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Gia Lâm không ngừng đổi mới công tác dạy và học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng nhiều mô hình giáo dục hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Đến nay, huyện Gia Lâm đã có 66/78 trường chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,6%. Liêp tiếp nhiều năm liền, ngành GD&ĐT Gia Lâm được nhận Cờ thi đua xuất sắc của TP và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm kiểm tra tiến độ dự án đầu tư xây dựng trường Mầm non Văn Đức. Ảnh: Hoàng Quyết
Đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo
Năm học 2019 – 2020, toàn huyện Gia Lâm có 86 trường (78 trường công lập và 8 trường ngoài công lập), 22 trung tâm học tập cộng đồng với tổng số học sinh 64.861 học sinh. Tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các trường là 4.369 người. Nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, ngay từ đầu năm, Phòng GD&ĐT Gia Lâm đã chỉ đạo các trường tích cực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; chú trọng xây dựng mô hình mới về công tác giảng dạy. Với sự vào cuộc tích cực của các trường, ngành GD&ĐT Gia Lâm đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tiêu biểu có thể kể, đối với giáo dục Mầm non (MN), Phòng GD&ĐT Gia Lâm chỉ đạo thực hiện và phát triển chương trình giáo dục phù hợp với nhận thức của trẻ, phù hợp với tình hình thực tế của từng nhà trường. Từ đó, các nhà trường đã chú trọng đổi mới và ứng dụng phương pháp Montesori và Stems vào dạy trẻ. Phòng GD&ĐT cũng đã định hướng một số trường điểm tham gia các lớp bồi dưỡng tiếp cận với giáo dục tiên tiến; mời chuyên gia về bồi dưỡng phương pháp giáo dục tiên tiến để xây dựng các lớp ứng dụng phương pháp Stem, Stems; tổ chức cho trẻ tham quan dã ngoại giúp trẻ có kỹ năng thực hành cuộc sống. Bên cạnh đó, Phòng đã tham mưu UBND huyện đầu tư 30 phòng học Montesori và Stems cho các trường chuẩn Quốc gia mức độ 1, 2; tổ chức 3 chuyên đề bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý các trường MN, nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Đối với giáo dục Tiểu học (TH), Phòng GD&ĐT chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh thông qua việc tập huấn giáo viên, tổ chức các chuyên đề, hội thảo. Năm học 2019 -2020, Phòng GD&ĐT tổ chức 2 chuyên đề cấp TP về dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, được Sở GD&ĐT và các quận, huyện trên địa bàn TP đánh giá cao, có sức lan tỏa lớn. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT Gia Lâm đã tổ chức chỉ đạo các nhà trường tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm, các sân chơi trí tuệ trong các nhà trường; mỗi trường tổ chức ít nhất một mô hình đổi mới sáng tạo... Thực hiện tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.
Kết thúc năm học 2019 – 2020, toàn bộ 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Gia Lâm đều đạt phổ cập giáo dục MN, phổ cập giáo dục TH và THCS mức độ 3, đạt xóa mù chữ mức độ 2. Kết quả của cả 3 cấp học đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Tăng cường cơ sở vật chất, mở rộng quy mô
Để đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục cho toàn huyện, Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu cho UBND huyện Gia Lâm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại.
Năm học 2019 – 2020, Phòng GD&ĐT đã hoàn thành rà soát, chỉnh sửa và cập nhật danh mục quy hoạch mạng lưới trường học huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đến năm 2030; tham mưu UBND huyện có quyết định xây mới, cải tạo, mở rộng khuôn viên, quy mô cho 19 trường học với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tham mưu UBND huyện tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng dạy học; đầu tư mua sắm trang thiết bị đồng bộ tại các dự án mới với kinh phí trên 70 tỷ đồng. Riêng ngành GD&ĐT huyện đầu tư gần 15 tỷ đồng mua sắm bổ sung bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các trường, trong đó kinh phí mua sắm tập trung TP trên 3 tỷ đồng.
Đối với công tác bồi dưỡng đội ngũ, hàng năm, Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND huyện cấp hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho hàng chục lớp với hàng nghìn học viên; xây dựng kế hoạch hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuẩn chuyên môn đối với cán bộ, giáo viên các trường MN, TH và THCS công lập. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ theo Đề án phát triển ngoại ngữ giai đoạn 2020 - 2025. Phòng GD&ĐT Gia Lâm còn tham mưu UBND huyện xây dựng trường học điện tử. Theo đó, UBND huyện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy tính, máy chiếu projector, máy chiếu đa vật thể... nâng cấp hệ thống mạng internet đến các phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc cho trường TH Lê Ngọc Hân trị giá gần 2,9 tỷ đồng, trường THCS Cao Bá Quát gần 3,7 tỷ đồng. Năm 2019, Phòng GD&ĐT đã triển khai tập huấn CNTT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên 5 trường thực hiện thí điểm mô hình trường học điện tử; năm 2020, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện tiếp tục đầu tư cho 4 trường với kinh phí dự kiến khoảng 8 tỷ đồng.
Nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính, năm 2019, Phòng GD&ĐT Gia Lâm thực hiện thí điểm 10 trường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015. Căn cứ vào kết quả thí điểm này, năm 2020, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo 100% trường học thuộc huyện xây dựng, ban hành và áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, góp phần tạo một bước chuyển biến mới trong thực hiện nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính của các nhà trường.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT Gia Lâm còn tham mưu UBND huyện xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên 100% các trường MN, TH, THCS trên địa bàn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng huyện Gia Lâm, để phục vụ cho khai giảng năm học mới 2020 – 2021, huyện Gia Lâm đã đầu tư cải tạo, xây mới 13 dự án trường học với tổng kinh phí trên 494 tỷ đồng; hiện các dự án đã cơ bản hoàn thành. UBND huyện Gia Lâm cũng tiếp tục đầu tư cải tạo, xây mới 14 dự án trường học với tổng kinh phí trên 621 tỷ đồng, đến nay 7 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, 7 dự án đang làm các thủ tục thẩm định.
Năm học 2019 - 2020, Phòng GD&ĐT huỵên Gia Lâm được UBND TP Hà Nội tặng Giấy khen có thành tích trong công tác chỉ đạo Thực hiện Kế hoạch “Phát triển Giáo dục Mầm non Thành phố Hà Nội đến năm 2020”. Phòng GD&ĐT đã làm hồ sơ đề nghị UBND TP tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.