Nhiều đổi thay trên miền quê cách mạng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 90 năm trước (ngày 17/3/1933), Chi bộ Tân Yên - Chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng bộ huyện Đa Phúc, nay là Đảng bộ huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), đã được thành lập. Trải qua chiều dài lịch sử, mảnh đất Tân Yên nay đã có nhiều đổi thay tích cực.

Những người thắp lửa

Nhiều đổi thay trên miền quê cách mạng - Ảnh 1
Theo cuốn Lịch sử phát triển Đảng bộ xã Hồng Kỳ, cuối năm 1932, ông Nguyễn Tạo - cán bộ Ban Tài chính quản trị T.Ư và ông Lê Đình Tuyển - Ủy viên Thành ủy Hà Nội, là những đảng viên đầu tiên của Đảng từ nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội) vượt ngục thành công.
Đầu năm 1933, hai ông Nguyễn Tạo và Lê Đình Tuyển đến đồn điền của ông Đỗ Đình Thông (thuộc xã Hồng Kỳ) để làm ăn sinh sống, hoạt động cách mạng.
Sau quá trình cùng ăn, cùng ở, cùng làm để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con tá điền, các cán bộ của Đảng có dịp thâm nhập quần chúng, giác ngộ cách mạng. Nhờ đó, các cơ sở cách mạng ở ấp Tân Yên, ấp Đồng Thố cũng như các làng, ấp khác dần được thành lập. Trong quá trình hoạt động, một số hội viên hăng hái, giác ngộ nhất trong các tổ chức này được kết nạp vào Đảng.
Ngày 17/3/1933, Chi bộ Tân Yên (nay thuộc xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP
Hà Nội) - Chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Đa Phúc được thành lập, do đồng chí Nguyễn Tạo làm Bí thư.
Ban đầu, Chi bộ có 6 đảng viên, đưa ra nghị quyết: Đối với phong trào nông dân, phải giáo dục tinh thần đoàn kết giữa nông dân Tân Yên, Đồng Thố với các xã lân cận để đấu tranh buộc bọn địa chủ giảm thuế trâu, thuế ruộng ngay từ vụ mùa năm 1933 nhằm mang lại quyền lợi cho quần chúng. Đi đôi với lãnh đạo nông dân đấu tranh phải chú ý phát triển tổ chức Nông hội. Tổ chức Đảng phải phát triển thận trọng. Phân công một số cán bộ sang vùng Tam Lộng tuyên truyền gây cơ sở mới để phòng bị địch khủng bố.
Dấu tích lịch sử cách mạng
Cán bộ, đảng viên xã Hồng Kỳ thăm Nhà Bia Chi bộ Tân Yên. Ảnh: Trọng Tùng
Cán bộ, đảng viên xã Hồng Kỳ thăm Nhà Bia Chi bộ Tân Yên. Ảnh: Trọng Tùng
Sau khi có nghị quyết, cán bộ, đảng viên thuộc Chi bộ Tân Yên đã đi sâu xây dựng phong trào quần chúng và mở rộng địa bàn hoạt động. Để có tài liệu học tập, tuyên truyền, Chi bộ Tân Yên xây dựng Tạp chí Tia Sáng in những tài liệu, thư từ của Chi bộ nhà tù Hỏa Lò thành nhiều bản và một số tài liệu khác như: Nông dân vận động, công nhân vận động…
Thơ ca hò vè cách mạng cũng được kịp thời sáng tác và truyền bá rộng rãi trong Nhân dân. Kết quả các hoạt động của cơ sở Đảng, đến tháng 10/1933, số hội viên Nông hội của 24 ấp vùng phía Bắc huyện Đa Phúc (nay là huyện Sóc Sơn) đã lên tới trên 200 người.
 

Năm 2009, Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Tân Yên được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp TP. Đây không chỉ là niềm tự hào, mà một lần nữa khẳng định vai trò to lớn của sự kiện thành lập Chi bộ Tân Yên 90 năm về trước.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Nguyễn Thị Trà Liên


Ông Bùi Đình Bộ, sinh năm 1950, vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng từ năm 19 tuổi. Về sau, ông Bộ có thời gian kinh qua nhiều vị trí cán bộ của xã Hồng Kỳ. "Sự ra đời của Chi bộ Tân Yên với chủ trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức Nông hội, lãnh đạo tá điền đấu tranh chống áp bức, bóc lột và cử cán bộ xây dựng cơ sở mới góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng quần chúng trong toàn huyện phát triển" - người đảng viên lão thành đánh giá.
Mặc dù Chi bộ Tân Yên được thành lập, hoạt động trong thời gian ngắn, song vai trò, vị trí, phạm vi ảnh hưởng tới phong trào cách mạng của Đa Phúc nói riêng và toàn vùng nói chung là vô cùng to lớn. Ngày 19/5/1999, Nhà bia tưởng niệm Chi bộ Tân Yên nằm ở trung tâm sinh hoạt văn hóa của thôn Tân Yên, trong khu hành chính số 6 thuộc xã Hồng Kỳ được khánh thành.
Phó Bí thư Chi bộ Tân Yên Nguyễn Văn Thảo cho biết, hướng đến kỷ niệm 90 năm thành lập, Nhà bia tưởng niệm chi bộ Tân Yên được đầu tư kinh phí tu sửa, nâng cấp khang trang. Nơi đây trở thành địa chỉ sinh hoạt, giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc nói chung, của lớp lớp các thế hệ cán bộ, đảng viên xã Hồng Kỳ nói riêng, huyện Sóc Sơn anh hùng nói chung trong những ngày tháng đầy cam go, thử thách khi Đảng mới ra đời và lãnh đạo cách mạng.
Vững bước trên đường đổi mới
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, Nhân dân thôn Tân Yên (xã Hồng Kỳ) vẫn đứng vững, sinh cơ và lập nghiệp, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Diện mạo nông thôn không ngừng được đổi mới theo hướng hiện đại hóa.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Nguyễn Thị Trà Liên cho biết, sau khi về đích nông thôn mới, Đảng uỷ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới nâng cao, giao UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện; chỉ đạo Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, Chi bộ tuyên truyền đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tăng cường thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn Tân Yên nói riêng, xã Hồng Kỳ nói chung đang phát triển ngày một đồng bộ. Hệ thống điện - đường - trường - trạm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân địa phương còn phát triển, mở mang một số nghề như: Mộc, xây dựng, sửa chữa cơ khí, dịch vụ, trồng rừng, chăn nuôi… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người dân nơi đây ngày một được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, hiện chỉ còn 0,26%.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ Nguyễn Thị Trà Liên, tính đến nay, địa phương đã đạt và cơ bản đạt nhiều tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao và chuẩn hóa 19 tiêu chí theo quy định của TP Hà Nội. Trong đó, chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ đời sống, sản xuất của người dân; phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.