Nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên miền Nam thu tiền tỷ

Theo Hồng Phương/VOV-ĐBSCL
Chia sẻ Zalo

Nhiều dự án khởi nghiệp của thanh niên miền Nam thành công, những ông chủ - bà chủ trẻ tuổi đôi mươi đã có nguồn lợi nhuận thu được mỗi năm hàng tỷ đồng.

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức tại Cần Thơ, với sự tham gia của 56 dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn đến từ các tỉnh khu vực miền Nam. Từng dự án đã thể hiện sự bản lĩnh, mạnh dạn khởi nghiệp từ bàn tay trắng của thanh niên thời 4.0. Qua đó, nhiều bạn trẻ đã kiếm được tiền tỷ ở lứa tuổi đôi mươi.

Đang chỉnh lại góc trưng bày sản phẩm bóp ví da làm từ vỏ trái xoài tại vòng bán kết, bạn Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ Đại học Trà Vinh chia sẻ, dự án khởi nghiệp “Sản xuất da từ vỏ xoài” được nhóm 5 người ở 5 khoa khác nhau trong trường cùng nghiên cứu, trao đổi và chọn hướng tiêu thụ. Mục tiêu của nhóm là sử dụng phế phẩm của nhiều loại vỏ trái cây để làm nên những chất liệu da chất lượng, tạo thành những sản phẩm giỏ xách - bóp ví độc lạ.

56 Dự án của thanh niên nông thôn khởi nghiệp khu vực miền Nam vào vòng bán kết chủ yếu về nông nghiệp sạch
56 Dự án của thanh niên nông thôn khởi nghiệp khu vực miền Nam vào vòng bán kết chủ yếu về nông nghiệp sạch

Do chưa có kinh phí, nên nhóm thí nghiệm đầu tiên với vỏ trái xoài, đây là loại quả được trồng nhiều tại miền Tây Nam bộ có hoa văn trên vỏ đẹp và các thành viên cũng đã tìm được chỗ thu mua giá hợp lý, không sợ đứt nguồn cung ứng. Bạn Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết thêm, để có được thành quả, nhóm đã trải qua nhiều lần thất bại ở khâu xử lý vỏ trái xoài. Mỗi thành viên lúc đó “ăn ngủ” cùng sách tại thư viện, nghiên cứu trên mạng để có loại da đẹp nhất.

“Sản phẩm dự kiến có những mức giá khác nhau nếu có thêm dịch vụ thiết kế theo yêu cầu. Mô hình hiện tại của dự án là B2B – bán cho các nhà sản xuất da; đồng thời vẫn bán B2C cho những người thực sự đam mê, mong muốn tìm kiếm 1 sản phẩm độc đáo. Do chuẩn bị ra trường, nên mục đích của nhóm là kêu gọi vốn đầu tư, khi dự án có thể thương mại hóa sản phẩm, sẽ cần khoảng 1,23 tỷ đồng để đầu tư máy móc thiết bị và marketing”, Thanh Vân bày tỏ.

Nhóm bạn Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ Đại học Trà Vinh với Dự án khởi nghiệp “Sản xuất da từ vỏ xoài”
Nhóm bạn Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ Đại học Trà Vinh với Dự án khởi nghiệp “Sản xuất da từ vỏ xoài”

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 sau hơn 4 tháng triển khai đã nhận được 446 hồ sơ từ 63 tỉnh/thành Đoàn trên toàn quốc. Ban tổ chức đã chọn 135 dự án tham gia vòng bán kết theo 3 khu vực Bắc, Trung, Nam lần lượt tại các tỉnh/thành phố là Hà Nam, Khánh Hòa, Cần Thơ.

Khu vực miền Nam nổi bật với những dự án về nông nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, trong đó 56 dự án tốt nhất được chọn tranh tài tại vòng bán kết, tiêu biểu như: Máy sấy ruốc đa năng tiết kiệm năng lượng mặt trời (của Chi đoàn Trường THCS Lộc An đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu); Lụa sen Đồng Tháp (của Huỳnh Ngọc Như đến từ Đồng Tháp); Sản xuất da từ vỏ xoài (của Nguyễn Thị Thanh Vân đến từ Trà Vinh); Nhang sạch thảo mộc - Tận dụng nâng cao giá trị nguồn dược liệu của bản địa (của Lê Thị Cẩm Vân đến từ Đồng Nai)…

Các Dự án không chỉ đem lại hiệu quả cao về lợi nhuận mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân bản địa. Điển hình là “Dự án thuê lại các vườn bưởi” của Hợp tác xã (HTX) Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Dự án thuê lại các vườn bưởi” của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mang lại lợi nhuận hàng năm đến 700 triệu đồng
“Dự án thuê lại các vườn bưởi” của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mang lại lợi nhuận hàng năm đến 700 triệu đồng

Được biết, từ cuối năm 2021, sau đại dịch Covid19 trên thị trường lượng thu mua bưởi yếu dần và thiếu hụt sản lượng bưởi chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Nhận thấy tình trạng lãng phí do đất bỏ hoang tại địa phương quá nhiều, nên HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch quyết định thực hiện “Dự án thuê lại các vườn bưởi” nhằm giúp nông dân trồng bưởi da xanh giữ nghề, mang lại thu nhập cao hơn và thúc đẩy phát triển bền vững từ bưởi địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung, công tác tại thị đoàn thị xã Phú Mỹ - đại diện HTX giới thiệu dự án cho biết, HTX cam kết bao tiêu bưởi cho thành viên sản xuất, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, an toàn từ khâu sản xuất đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sau gần 2 năm đồng hành, đến nay, trung bình 1 mùa vụ bưởi HTX thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm/vườn cho khoảng 30 tấn bưởi và người dân cũng được trả công phù hợp với công sức. 

“HTX có thể linh động được đầu ra cho các chuỗi siêu thị tại địa phương và các vùng lân cận, trong khi vẫn có cửa hàng bán lẻ hoặc bỏ mối ở các chợ đầu mối. Dự án không bỏ bất cứ thứ gì từ quả bưởi, như những quả bưởi không đạt chất lượng sẽ được nghiên cứu làm tinh dầu hat bưởi sấy dẻo hoặc làm chè bưởi. Hiện HTX đang trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và đang làm mã vùng trồng để linh động tự xuất khẩu”, chị Dung cho biết.

“Dự án thuê lại các vườn bưởi” của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mang lại lợi nhuận hàng năm đến 700 triệu đồng
“Dự án thuê lại các vườn bưởi” của Hợp tác xã Bưởi da xanh Hắc Dịch, phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mang lại lợi nhuận hàng năm đến 700 triệu đồng

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần không ngại đổi mới, đột phá trên hành trình lập nghiệp, từ một kỹ sư điện tử, anh Ngô Xuân Điền, ở TP. Cần Thơ đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi đông trùng hạ thảo, đem lại thu nhập cao. Vào vòng bán kết với tên Dự án “Trồng nấm với diện tích 9 m2”, anh Điền đã để lại ấn tượng khi thành lập được Công ty CP Dược thảo Fungi từ năm 2018.

Sau quá trình không ngừng nghiên cứu để cho ra đông trùng hạ thảo đạt chất lượng cao nhất, đến nay, công ty của anh Ðiền có thể sản xuất với quy mô 50.000 hộp/năm, tương ứng 150kg khô/năm. DN có 5 dòng sản phẩm chính là nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, mật ong đông trùng hạ thảo, dầu gió đông trùng hạ thảo, trong đó có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

Anh Ngô Xuân Điền chia sẻ, từ 9m2 ban đầu, hiện diện tích nhà xưởng của anh là 500m2, chia làm 4 khu sản xuất, nuôi trồng, văn phòng và showroom, rất nhiều máy móc hiện đại như: tủ cấy vi sinh, máy phun sương, máy sấy, nồi hấp tiệt trùng.

“Sắp tới DN tiếp tục đa dạng sản phẩm, tiếp tục kiểm nghiệm để đạt các chứng nhận, chỉ tiêu trong nước và quốc tế như như ISO, Hasat, OCOP để có thể bán hàng trong và ngoài nước, tăng doanh và đem lại thu nhập ổn định cho nhiều lao động hơn”, anh Điền cho biết.

Theo báo cáo từ Trung ương Đoàn, từ khi triển khai Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc nhiệm kỳ 2017-2022, các cơ sở Đoàn đã tổ chức tổng cộng hơn 1.450 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia. Các cuộc thi đã góp phần sàng lọc ra những dự án, ý tưởng khởi nghiệp có chất lượng, phù hợp triển khai trong thực tiễn.

Một số sản phẩm từ 56 Dự án vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 khu vực miền Nam
Một số sản phẩm từ 56 Dự án vào vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 khu vực miền Nam

Tham dự vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2023 khu vực miền Nam, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Ủy viên BTV, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, Trung ương Đoàn nhận định, cuộc thi sẽ tạo sự chuyển biến tích cực về tư duy, hành động của thế hệ trẻ và là động lực để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong lực lượng thanh niên, sinh viên, doanh nhân trên toàn quốc.

“Cuộc thi tạo ra sân chơi chung và các bạn thanh niên có 1 môi trường chung. Hy vọng các dự án có sự liên kết, hỗ trợ từ đó có thể xây dựng được chuỗi sản xuất sản phẩm của các dự án tham gia cuộc thi. Bên cạnh đó, nhiều bạn có thể kết nối, có thêm động lực phát triển kinh doanh cho những dự án của riêng mình”, bà Vân khuyến khích.

Mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực khó, chấp nhận rủi ro, không ngại đương đầu khó khăn đã tạo nên những ông chủ - bà chủ trẻ tuổi đôi mươi có mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, nguồn lợi nhuận thu được mỗi năm hàng tỷ đồng. Từ đó, phát huy vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế, tham gia cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời đại công nghệ số và hội nhập quốc tế.