Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp bảo đảm an toàn cho người lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hà Nội đã trở lại cuộc sống bình thường mới và các công ty, DN vẫn duy trì thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định và thực hiện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) để bảo đảm an toàn cho người lao động (NLĐ).

Nhiều giải pháp an toàn vệ sinh lao động

Ngay sau khi TP Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác ATVSLĐ năm 2021.
Tại hội nghị, Trưởng ban Chính sách Pháp luật, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Tạ Văn Dưỡng đã trang bị và bổ sung những kiến thức, kỹ năng về công tác ATVSLĐ trong phòng chống cháy nổ cho hơn 300 cán bộ quản lý, người sử dụng lao động, NLĐ; trang bị bảo hộ lao động, các phương tiện, thiết bị làm việc, đảm bảo an toàn trong lao động.
Thông qua nhiều tình huống cụ thể và sát với đặc điểm sản xuất của ngành Xây dựng đã giúp cho các an toàn vệ sinh viên hiểu nhanh, nắm rõ các kỹ năng, kiến thức ATVSLĐ. Các an toàn vệ sinh viên còn được giảng viên trang bị những kỹ năng quản lý, đánh giá rủi ro; hướng dẫn kiểm tra, giám sát ATVSLĐ tại tổ sản xuất...
Các công nhân làm việc tại Công ty TNHH May Hoàng Sơn được bố trí chỗ ngồi làm việc khoảng cách 3m2/1 người để phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi về công tác ATVSLĐ và phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong các đơn vị, DN, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội Phùng Văn Chung cho biết: Thực hiện Hướng dẫn số 05/HĐ-LĐLĐ của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, Ban Thường vụ Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã có hướng dẫn các công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động. Với chủ đề của Tháng hành động “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đề nghị các cấp công đoàn ngành phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện, tuyên truyền về ATVSLĐ cho NLĐ và an toàn vệ sinh viên.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn ngành phối hợp với chính quyền tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ tại đơn vị, DN hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Công trình xây dựng, sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, thang máy, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế... Công đoàn cơ sở tăng cường công tác tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật ATVSLĐ, các biện pháp đảm bảo điều kiện làm việc cho NLĐ tại DN.

Thực hiện nghiêm “1 cung đường 2 điểm đến”

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nhưng để đảm bảo an toàn cho NLĐ, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới. Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội đã đề nghị công đoàn cấp cơ sở thực hiện nghiêm những quy định của TP trong phòng chống dịch và ATVSLĐ.
Về phía các DN cũng đã có sự chủ động xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn cho NLĐ cũng như hoạt động sản xuất. Trao đổi về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện ATVSLĐ trong tình hình mới, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Đá ốp lát và xây dựng Hà Nội Đỗ Văn Trung cho hay: Khi Hà Nội giãn cách xã hội, từ ngày 25/7 đến 6/9, công ty triển khai giải pháp “3 tại chỗ”, theo đó, NLĐ làm việc tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ tại chỗ và thông điệp 5K. Sau một thời gian thực hiện “3 tại chỗ” sức khỏe của NLĐ rất tốt, không ai bị ốm đau; hoạt động sản xuất không bị đứt gãy, đảm bảo được tiến độ đơn hàng.

Bây giờ, Công ty CP Đá ốp lát và xây dựng Hà Nội không thực hiện “3 tại chỗ”, tuy nhiên NLĐ phải cam kết thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, hạn chế giao tiếp với người ở tỉnh xa. Trong suốt quá trình làm việc ở công ty, NLĐ phải đeo khẩu trang (kể cả khi không có Covid-19, mọi NLĐ cũng đã tự nguyện đeo khẩu trang để giữ sức khỏe), ngồi làm việc khoảng cách, hạn chế tiếp xúc nhằm bảo đảm an toàn. Đối với những NLĐ làm công việc cắt đá thì các máy đã được bố trí xa nhau bảo đảm khoảng cách phòng chống dịch.
“Ban chấp hành công đoàn công ty có 3 người và được chia ra các tổ sản xuất. Mỗi tổ (cắt, dán, mài) có 1 tổ trưởng nhận thông tin từ Ban lãnh đạo công ty, ban chấp hành công đoàn để truyền đạt lại cho quản lý và đoàn công đoàn tổ mình” - ông Trung nhấn mạnh.
Được làm trong môi trường phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện ATVSLĐ nên nhiều NLĐ rất yên tâm và hợp tác. Chị Đặng Thị Điệp là Nhân viên Công ty CP Đá ốp lát và xây dựng Hà Nội chia sẻ: Trong thời gian giãn cách, chúng tôi thực hiện “3 tại chỗ” ở xí nghiệp khoảng 45 ngày và được công ty hỗ trợ chỗ ăn, ở, nghỉ ngơi bảo đảm giãn cách nên có sức khỏe tốt. Hiện nay, công ty không duy trì “3 tại chỗ” nhưng chúng tôi được khuyến cáo NLĐ không tiếp xúc người lạ, hạn chế tối đa thăm nom họ hàng; thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Nhằm bảo đảm ATVSLĐ cho NLĐ, mới đây, Bộ LĐTB&XH đã có đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương ưu tiên nguồn lực cho công tác quản lý ATVSLĐ. Sở LĐTB&XH các tỉnh, TP hướng dẫn các DN tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát những yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ.