"Siết" quản lý an toàn thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo báo cáo Bộ Công Thương, triển khai hoạt động quản lý nhà nước về ATTP, ngành công thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của các cơ quan quản lý ATTP tại địa phương trong bối cảnh vừa ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất kinh doanh.

 Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm. Ảnh: moit.gov.vn

Bên cạnh đó, với mục tiêu xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý ATTP, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước về ATTP và kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu.

Cụ thể: Đến nay Bộ đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng. Hoạt động này đã phát huy vai trò của các DN, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm ATTP.

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) Trần Việt Hòa, năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, một số ngành hàng vẫn chưa được phép đi vào kinh doanh bình thường. Các ngành như du lịch, giải trí, ăn uống… chưa thể phục hồi như trước nên việc kiểm tra, kiểm soát về ATTP trên địa bàn các tỉnh, TP gặp không ít khó khăn. Trong khi đó tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về ATTP ngành công thương tại một số địa phương biến động, không đồng nhất.

Mặt khác, kinh phí, cơ sở vật chất, thiết bị giành cho công tác tiêu huỷ hàng hoá không đảm bảo ATTP (đặc biệt là các động vật mang dịch bệnh, hàng hoá không đảm bảo an toàn sử dụng...); tiêu hủy thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng sau thanh tra, phát hiện xử lý còn thiếu làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm và tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

 Ngành công thương tại các địa phương phối hợp liên ngành chặt chẽ trong hoạt động kiểm tra đảm bảo ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ảnh: moit.gov.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, 6 tháng cuối năm 2021,  Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về ATTP với công tác quản lý hàng hóa lưu thông trên thị trường, bình ổn thị trường, cân đối cung cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị định của Chính phủ về quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Cùng với đó, ngành công thương sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước.

Thông qua các phương tiện truyền thông kịp thời đưa tin tình hình kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm; biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định của luật pháp cũng như phê phán nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.