Nhiều giải pháp đẩy lùi dịch sốt xuất huyết ở huyện Phú Xuyên

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tính từ tháng 7/2023 đến nay, toàn địa bàn các xã, thị trấn của huyện Phú Xuyên đều đã xuất hiện ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Đặc biệt từ tháng 9 - 10/2023, xuất hiện nhiều ca bệnh mới. Nhưng nhờ có sự quyết liệt vào cuộc, hơn 10 ngày nay số ca bệnh đã giảm.

Cán bộ y tế huyện Phú Xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch SXH tại xã Hồng Minh.
Cán bộ y tế huyện Phú Xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch SXH tại xã Hồng Minh.

Tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn Phú Xuyên thời điểm từ tháng 9 - 10/2023 diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh, số ca mắc cao đứng thứ 2/30 quận, huyện, thị xã. Tính từ đầu mua dịch đến ngày 7/11, toàn huyện ghi nhận 1.948 ca mắc SXH tại hàng chục ổ dịch ở 27 xã, thị trấn; số ca mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Những ngày gần đây, số ca mắc đang bắt đầu có xu hướng giảm, hiện nay trên toàn địa bàn huyện chỉ còn 5 ổ dịch đang hoạt động. Một số xã ghi nhận ca mắc cao như: Châu Can, Đại Thắng, Phượng Dực, Tri Trung, Hồng Minh… Đây là các địa phương có nhiều ca mắc bệnh kéo dài.

Theo Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng, trước tình hình cấp bách của công tác phòng chống dịch bệnh SXH, UBND huyện đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh với mật độ 2 buổi/ngày, cộng với tuyên truyền lưu động…

Đồng thời, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn và nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các Đội xung kích diệt bọ gậy và Tổ giám sát phòng, chống dịch SXH. Mặt khác, duy trì tổ chức tổng vệ sinh môi trường, lật úp phế thải để diệt bọ gậy, diệt muỗi vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần.

UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp các xã, thị trấn tiến hành đánh giá điểm có nguy cơ cao để triển khai phun hóa chất diệt muỗi, phát quang bụi cây cỏ. Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với UBND xã, trạm y tế tăng cường điều tra, giám sát, phát hiện ca bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về biện pháp phòng, chống, dấu hiệu nhận biết mắc bệnh dịch SXH, cách chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thời gian điều trị tại nhà. Tăng cường hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát.

Công tác phun thuốc phòng chống dịch SXH luôn được huyện Phú Xuyên quan tâm thực hiện
Công tác phun thuốc phòng chống dịch SXH luôn được huyện Phú Xuyên quan tâm thực hiện

Tại các xã: Châu Can, Phượng Dực, Tri Trung, Hồng Minh, Hoàng Long… những ngày này công tác phòng chống, xử lý các ổ dịch được chính quyền quan tâm sát sao hơn bởi theo dự báo dịch bệnh SXH vẫn đang trong giai đoạn đỉnh điểm. Nhiều địa phương trong TP vẫn đang có số ca bệnh tăng cao.

Trưởng phòng Y tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Thị Bích Phượng cho biết, toàn huyện đến nay còn khoảng 100 ca bệnh mới ở 5 ổ dịch các xã: Hồng Minh, Tri Trung và Châu Can đang phải cách ly điều trị tại các bệnh viện và trạm y tế. Các ổ dịch đều đã được khoanh vùng, khống chế, xử lý đúng quy định và hiệu quả.

Để tránh số ca mắc SXH tăng cao hoặc có diễn biến phức tạp, tái quay trở lại trên địa bàn thời gian tới do các yếu tố chủ quan. Đặc biệt trên địa bàn lại có nhiều hộ gia đình trong các ổ dịch có vườn rộng, nhiều loại phế thải, phế liệu chứa nước có bọ gậy hay bể nước mưa chứa bọ gậy mà chưa được phun khử hóa chất...

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy nhấn mạnh, thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung xác định các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để phun hóa chất diện rộng. Nhanh chóng khống chế, hạn chế thấp nhất số ca mắc SXH. Kiên quyết xử lý đối với các hộ gia đình, đơn vị còn để tồn tại yếu tố nguy cơ gây dịch SXH.

Huyện cũng yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở cần xác định công tác phòng, chống dịch SXH là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong thời điểm hiện nay với phương châm dập tắt ổ dịch ngay từ khi mới manh nha. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân.