Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp FDI

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội cam kết sẽ không ngừng tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN Nhật Bản mở rộng sản xuất, kinh doanh…

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại Hội nghị "Xúc tiến đầu tư và đối thoại với DN Nhật Bản" do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 27/3.

 Nhà đầu tư chủ lực của Hà Nội

Nhật Bản hiện là một trong những nhà đầu tư chiến lược quan trọng nhất trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Hà Nội. Báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, hiện các DN Nhật Bản đang đầu tư 4,6 tỷ USD vào 523 dự án sản xuất, chiếm 22% tổng vốn FDI của Hà Nội. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hầu hết các DN Nhật Bản đầu tư tại Hà Nội chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ như: Sản xuất, lắp ráp, chi tiết phụ tùng cho ô tô, xe máy, điện, điện tử, thiết kế sản xuất khuôn mẫu… Đến nay, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản vào các ngành sản xuất - chế biến chế tạo và công nghiệp phụ trợ của Hà Nội lên đến 3,4 tỷ USD, chiếm tới 77% tổng vốn đầu tư của các DN Nhật Bản vào Hà Nội. Thông qua việc tăng cường đầu tư, DN Nhật Bản đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm và năng lực quản lý cho các DN Hà Nội, điều này đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ TP phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh các dự án FDI, Nhật Bản cũng là nước có tài trợ vốn ODA lớn nhất cho Hà Nội với 23 dự án, vốn đầu tư đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 58% tổng vốn ODA của TP.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị.                            Ảnh: Hoài Nam
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Không chỉ đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, các DN Nhật Bản là đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa Hà Nội với Nhật Bản. Chỉ tính riêng năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Hà Nội và Nhật Bản đạt 3,75 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo:
Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao

Hà Nội đã ban hành Đề án "Đẩy mạnh thu hút FDI từ Nhật Bản trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2013 - 2015 và những năm tiếp theo", trong đó ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông; công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại… Các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tạo sự liên kết giữa các DN FDI với DN trong nước cũng là những dự án mà Hà Nội rất chú trọng.
Tuy nhiên, điều đáng mừng hơn cả là trong nhiều năm qua, các DN Nhật Bản liên tục kinh doanh có lãi nên nộp ngân sách Nhà nước tăng đáng kể qua từng năm (năm 2012 nộp 1.597 tỷ đồng, năm 2013 nộp 2.357 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, các DN Nhật Bản là những đối tác quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển của kinh tế Thủ đô.

Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện

Mặc dù đã có những thành công nhất định trong việc thu hút DN Nhật Bản đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, nhưng thực tế cho thấy, Hà Nội  chưa đạt được mục tiêu thu hút DN Nhật Bản gia tăng đầu tư, chuyển giao công nghệ cao cũng như phát triển hạ tầng. Nguyên nhân được chỉ ra là do thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, chồng chéo, tốn thời gian, thiếu linh hoạt. Ông Sato Motonobu - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: Qua khảo sát 196 DN Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội cho thấy, trong 17 thủ tục hành chính được thực hiện thường xuyên tại các ban, ngành của Hà Nội, có 3 thủ tục gây phiền hà cho DN là: Thủ tục xuất nhập khẩu của ngành: Hải quan, Công thương; Thuế, phí, lệ phí, quản lý giá của Sở Tài chính; Thành lập DN, cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại các cơ quan chức năng…

Để khắc phục những bất cập này, phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định: Trong thời gian tới, Hà Nội  tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các DN, trong đó tập trung vào việc rà soát, công bố các thủ tục hành chính liên quan đến thu hút vốn FDI. Riêng trong năm 2014, TP sẽ tiếp tục rà soát cơ chế chính sách đầu tư, quy chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính để tháo gỡ khó khăn cho DN FDI, trong đó có Nhật Bản. Ngoài ra, UBND TP còn đẩy mạnh hỗ trợ DN Nhật Bản trong việc tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh và thực hiện các hỗ trợ đầu tư khác như lao động, điện, nước, công nghệ thông tin…

Nhằm đẩy mạnh thu hút vốn FDI cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN Nhật Bản mở rộng sản xuất, UBND TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư theo hướng bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, TP cũng đã phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư tạo cơ sở thuận lợi để nhà đầu tư nghiên cứu và lập dự án đầu tư tại Hà Nội. Nhằm tạo mặt bằng sản xuất cho DN, một số khu công nghiệp đã được hoàn thiện… Bằng những hành động cụ thể, TP đang làm hết sức mình tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm thu hút cũng như tạo những cơ hội thuận lợi để các nhà đầu tư đóng góp vào sự phát triển của kinh tế Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần