Nhiều giải pháp lập lại trật tự thị trường phân bón

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ ra hạn chế, lỗ hổng và đưa ra giải pháp để đẩy lùi vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng tràn lan trên thị trường, lấy lại niềm tin trong nông dân được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Lập lại trật tự thị trường phân bón” được tổ chức sáng ngày 28/9.

Mập mờ chất lượng

Thống kê của Hiệp hội Phân bón cũng cho thấy, cả nước có từ 800-1.000 cơ sở sản xuất mặt hàng này. Trong đó, gần 50% số mẫu phân bón được kiểm tra không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký, công bố trên bao bì. Các đối tượng lợi dụng kẽ hở quy định pháp luật về tổng chất lượng dinh dưỡng, mập mờ hàm lượng trên vỏ bao bì... gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón bức xúc, tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi, phức tạp bởi không chỉ xuất hiện trong cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh mà còn xuất hiện cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định, gây thiệt hại lớn. Còn ông Lương Quốc Đoài - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thẳng thắn chỉ ra, trên thị trường đang có đến vài nghìn chủng loại, nhãn hiệu phân bón của doanh nghiệp sản xuất cung ứng, khiến nông dân rơi vào “ma trận” khi chọn lựa mặt hàng này...
Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng: “Thị trường phân bón còn phức tạp, phân bón giả, kém chất lượng, bao bì nhãn mác mập mờ đang làm méo mó thị trường phân bón. Một số tổ chức, cá nhân không có giấy phép vẫn lén lút sản xuất phân bón. Một số đại lý phân phối gây sức ép về giá thành đối với người sản xuất buộc phải giảm chất lượng đầu vào”.

Trong khi đó, đại diện cho các DN, ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ, thị trường đang quá dễ tính nên đã vô tình tạo “đất” cho các DN sản xuất không nghiêm túc có cơ hội. Dù phân bón Bình Điền là một thương hiệu có tiếng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn với  tình trạng phân bón giả, kém chất lượng. “Đối tượng làm phân bón kém chất lượng dùng chiêu tiếp thị đến tận tay người nông dân, trên bao bì ghi hàm lượng rất bắt mắt trong khi người nông dân lại không nhận diện được” - ông Phong bức xúc.

Thống nhất quản lý

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đã chỉ ra, Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón có hiệu lực, thị trường phân bón không chỉ tràn lan hàng giả, hàng kém chất lượng mà còn tạo lỗ hổng lớn trong quản lý khi 2 Bộ cùng tham gia quản lý thị trường này (Bộ Công Thương đang phụ trách 90% phân vô cơ. Bộ NN&PTNT phụ trách 10% phân hữu cơ và phân bón khác).

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Nghị định 202, Thông tư 29 và Thông tư 41 hướng dẫn thực hiện Nghị định 202 còn một số hạn chế, chưa theo kịp diễn biến của thị trường gây vướng mắc trong thực hiện như sang chiết, đóng gói phân bón, gia công phân bón, quảng cáo, hội thảo giới thiệu phân bón, khảo nghiệm, phân loại phân bón và phân cấp quản lý.

Một số quy định chưa phù hợp với thực tế như yêu cầu về nhân lực đối với các cơ sở sản xuất, quy định việc cấp giấy phép sản xuất đồng thời phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân bón khác, quy trình, thủ tục chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy kéo dài.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng đại diện các Bộ NN&PTNT, Công thương và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Thông tư 41 và 29 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng...

Bên cạnh đó, nên thống nhất một cơ quan quản lý mặt hàng này, thay vì hiện nay có tới 2 cơ quan cùng "quản" cũng như Ở cấp tỉnh cần thành lập ban kiểm tra liên ngành gồm: Sở Công Thương và Sở NN&PTNT để thống nhất một quy chế, tiện việc kiểm tra các cơ sở, cá nhân sản xuất phân bón mà không bị chồng chéo.

Đồng thời, kiện toàn và tổ chức lại hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định của hai bộ về phân bón vô cơ và hữu cơ. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích cho người nông dân cũng như DN sản xuất trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cùng nhiều DN đều đồng kiến nghị sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP trình Chính phủ trong năm 2016 theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

“Quyết liệt lập lại trật tự thị trường phân bón bằng việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước từ T.Ư đến địa phương; bằng sự tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật của DN; bằng việc tích cực phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón của cộng đồng xã hội và bằng việc liên tục năng cao nhận thức cho nông dân phân biệt phân bón giả phân bón kém chất lượng” – ông Vượng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần