Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội đã được các cơ quan chức năng thực hiện một cách chặt chẽ, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng.

Tăng cải cách, hiện đại hóa công tác thu
Thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách; cơ cấu lại các khoản chi ngân sách Nhà nước (NSNN) theo hướng tiết kiệm, hiệu quả… là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về "Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020". Triển khai nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính đã tập trung tham mưu về điều hành ngân sách; từng bước cơ cấu lại thu, chi NSNN theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên.
Người nộp thuế thực hiện các thủ tục thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Số liệu của UBND TP Hà Nội cho thấy, tổng NSNN trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 50,2% dự toán, tăng 12,8% (so với cùng kỳ). Một số khoản thu có tiến độ khá, tăng chủ yếu từ thu nội địa. Là một trong những cơ quan đóng vai trò quan trọng trong công tác thu ngân sách, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, cơ quan thuế Hà Nội đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và đạt được những kết quả tích cực.
Cục Thuế đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, qua đó giảm đáng kể thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật thuế cho người nộp thuế và cơ quan thuế. Trên cơ sở phối hợp với các ngân hàng, đơn giản hóa quy trình đăng ký, xử lý kịp thời các sự cố phát sinh, hỗ trợ trực tiếp cho từng DN.
Đến nay, đã có 95% đơn vị đăng ký nộp thuế điện tử. Cục Thuế đã phối hợp với Sở KH&ĐT trong việc cấp mã số DN tự động cho các DN thành lập mới; thực hiện đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; đề án quản lý bán hàng kinh doanh qua mạng... Cơ quan thuế Hà Nội cũng tích cực cải cách thể chế, chính sách, nỗ lực cắt giảm thời gian nộp thuế. Đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng.
Với nhiệm vụ tham mưu về điều hành ngân sách; Sở Tài chính đang từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng chi đầu tư và giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Trong bối cảnh chỉ tiêu thu ngân sách T.Ư giao cho TP tăng, song tổng thu ngân sách Hà Nội luôn hoàn thành kế hoạch, năm sau cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 5,3%, năm 2017 là 3,8%, dự kiến năm 2018 là 2,5%). Tỷ trọng thu nội địa cũng tăng từ 89,5% tổng thu NSNN 2016 lên 91,6% năm 2018.
Các cơ quan khác như Cục Hải quan Hà Nội, Kho bạc Nhà nước Hà Nội (KBNNN Hà Nội) cũng tích cực có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho hoạt động nộp ngân sách của DN, người nộp thuế. Giám đốc KBNNHN Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay, thời gian qua, đơn vị đã triển khai đồng loạt và mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa các hình thức thu nộp như bằng tiền mặt, chuyển khoản, qua máy chấp nhận thẻ, internet banking, mobile banking…
Đồng thời, KBNNHN đã mở các tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MB) với hàng trăm điểm giao dịch thu NSNN, được bố trí rộng khắp, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ đáp ứng tốt nhu cầu thu, nộp, tạo thuận lợi cho DN, tổ chức kinh tế đến nộp thuế. Các hình thức thu nộp này đã góp phần rút ngắn thời gian nộp thuế cho người dân và DN.
Các cơ quan thu ngân sách trên địa bàn như Cục Thuế TP Hà Nội, Sở Tài chính, Cục Hải quan Hà Nội và hệ thống các ngân hàng thương mại, kho bạc cũng tổ chức thu kịp thời, đầy đủ các khoản thu vào NSNN, điều tiết chính xác từng khoản thu cho từng cấp ngân sách. Số liệu báo cáo thu được cập nhật kịp thời, đồng nhất giữa các cơ quan quản lý ngân sách giúp cho chính quyền địa phương các cấp chủ động trong việc điều hành và quản lý quỹ NSNN.
Tiếp tục có các giải pháp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu
Kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy tại Cục Thuế và Sở Tài chính, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, các nhiệm vụ chuyên môn của hai đơn vị này cũng như những nhiệm vụ được giao tại Chương trình số 03-Ctr/TU được thực hiện nghiêm túc, bài bản, khoa học, sáng tạo, có nhiều đổi mới.
Với Cục Thuế Hà Nội, đặc thù là cơ quan chuyên môn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và DN, Đảng ủy Cục Thuế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy, tăng cường cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế. Công tác tuyên truyền đa dạng, sâu sắc và toàn diện đã hỗ trợ hiệu quả công tác thu.
Với Sở Tài chính, cơ quan này đã làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho TP trong việc thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, giữ vững cân đối ngân sách, bảo đảm nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là yếu tố hết sức quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng và phát triển của TP trong thời gian vừa qua.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu, thời gian tới, Đảng ủy Cục Thuế và Sở Tài chính cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị, các cơ quan thu cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Cục Thuế tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, tạo môi trường lành mạnh cho các DN, tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế.
Sở Tài chính và Cục Thuế cần tiếp tục có các giải pháp để phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, trong đó chú trọng các nguồn thu mang tính bền vững, phát huy nội lực của TP như tăng thu nội địa, tăng thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh. Sở Tài chính cần thực hiện việc sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng kế hoạch được duyệt, không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Đặc biệt là rà soát lại các chỉ tiêu khó để tăng tốc hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.