Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều giếng nước ngầm của Hà Nội đang bị ô nhiễm

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/8, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi hội thảo đầu kỳ lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại buổi hội thảo, đại diện Công ty CP nước và môi trường Việt Nam (đơn vị tư vấn lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050) thông tin, nguồn cấp nước cho đô thị Hà Nội hiện nay vẫn chủ yếu là nguồn nước ngầm. Trong khi đó nhiều giếng có hàm lượng sắt cao tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hà Đông, Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm. Các giếng tại các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Long Biên có hàm lượng mangan cao. Các giếng tại các quận ở phía Nam và Đông Nam TP bị ô nhiễm nặng, hàm lượng amoni rất cao như nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai và có dấu hiệu bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.
 Nhiều giếng nước ngầm tại Hà Nội bị ô nhiễm. Ảnh minh họa: Internet
Vì lý do trên, đại diện đơn vị tư vấn cho rằng trong quá trình lập Quy hoạch điều chỉnh cấp nước Hà Nội cần nghiên cứu kỹ, đưa ra lộ trình cắt giảm việc sử dụng nước ngầm. Nếu không giải quyết vấn đề này sẽ làm giảm chất lượng nước cung cấp cho khách hàng, gây khó khăn cho các đơn vị cấp nước trong vấn đề xử lý và giá thành nước sẽ tăng cao do phải lắp thêm công nghệ xử lý các chất độc hại.
Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Trần Quốc Hùng cho rằng, việc Hà Nội chuyển dần từ khai thác nước ngầm sang sử dụng nước mặt là một việc cần thiết. Tuy nhiên, việc giảm sử dụng nguồn nước ngầm tại khu vực nào, giảm đến mức độ bao nhiêu, cần phải gắn với việc đánh giá về chất lượng và trữ lượng tại khu vực đó và có sự so sánh với tiêu chuẩn của nguồn nước. Khi các nhà máy khai thác nước ngầm vẫn đạt tiêu chuẩn thì TP cần đưa về chế độ dự phòng, đảm bảo an ninh nguồn nước hoặc trở thành các trạm điều tiết áp lực để phục vụ cấp nước, tránh lãng phí.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, để cụ thể hóa định hướng cấp nước trong quy hoạch chung xây dựng, UBND TP Hà Nội đã lập đồ án Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi là khu vực đô thị và nông thôn liền kề và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. TP cũng đã lập Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, việc phát triển hệ thống cấp nước cho đô thị và nông thôn hầu như bị chậm so với kế hoạch. Bên cạnh đó, nội dung Quy hoạch cấp nước Hà Nội bộc lộ rõ một số bất cập, chưa phù hợp với tốc độ phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và thực tế quản lý đầu tư phát triển cấp nước của Thủ đô.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, UBND TP Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy nước đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng theo quy hoạch và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dụng các nhà máy mới. Tuy nhiên, các nhà máy nước này không được đề cập trong quy hoạch trước đây, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước góp phần đảm bảo sức khỏe Nhân dân, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước, phát triển hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn, TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu lập điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo nhiệm vụ điều chỉnh cấp nước đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2017. Việc điều chỉnh Quy hoạch trên cơ sở hợp nhất Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, để từ đó có sự kết nối hỗ trợ giữa các hệ thống cấp nước tập trung và hệ thống cấp nước nông thôn.
Các chuyên gia đều cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch cấp nước Hà Nội sẽ tạo cơ hội cho TP áp dụng trình độ quản lý, công nghệ khai thác, xử lý nước tiên tiến của thế giới. Thống nhất áp dụng một tiêu chuẩn cấp nước chung trên địa bàn TP. Nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển cấp nước phù hợp với các cơ chế chính sách của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan, tạo sức hút kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cấp nước cho TP.