Nhiều gửi gắm của cử tri với Quốc hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 21/3, Kỳ họp thứ 11 – kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII khai mạc và kéo dài tới ngày 12/4.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, nên bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Đặc biệt, kỳ họp này, Quốc hội dành hơn một nửa thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Theo dự kiến chương trình, tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Về công tác giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020…

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm Kỳ họp thứ 11, nhiều cử tri đã bày tỏ sự đánh giá cao nhiệm kỳ hoạt động của các đại biểu (ĐB) Quốc hội, đồng thời bày tỏ những mong muốn với Quốc hội nhiệm kỳ tới như Quốc hội sẽ hoạt động hiệu quả hơn, làm tốt việc giám sát các cơ quan hành pháp, không để tồn tại tình trạng "hội mà không nghị, nghị mà không quyết, quyết mà không làm". Cử tri cũng đề nghị trong nhiệm kỳ tới, trong thành phần Quốc hội nên có thêm số lượng ĐB chuyên trách, giảm số ĐB kiêm nhiệm, vì cho rằng đa phần các ĐB kiêm nhiệm bị chi phối nhiều bởi công tác quản lý, chưa toàn tâm, toàn ý trong vai trò người ĐB Nhân dân. Có ý kiến cho rằng, ĐB Quốc hội cũng phải đổi mới phương thức làm việc, không chỉ gặp dân tại các buổi tiếp xúc cố định, mà cần sâu sát thực sự để hiểu hết tâm tư của cử tri.

Trong công tác xây dựng luật, cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XIII đã xây dựng trên 100 dự án luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn việc soạn thảo luật sẽ được tiến hành bởi các bộ phận độc lập nhiều hơn là giao phó và phụ thuộc vào các bộ, ngành dễ dẫn đến tình trạng lợi ích ngành, nhóm đan xen; không đại diện cho ý chí của toàn dân.

Tại cuộc tiếp xúc cuối cùng của ĐB Quốc hội Khóa XIII với cử tri, nhiều vấn đề nóng, dân sinh, bức xúc cũng được cử tri gửi gắm tới Quốc hội như: Công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện hiệu quả bước đầu, đưa ra xét xử một số vụ trọng án lớn, tuy nhiên số vụ việc điều tra, truy tố và xử lý chưa nhiều so với thực tế xã hội. Cử tri rất lo lắng về phạm pháp hình sự, nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng tăng, việc thực thi pháp luật còn chưa cao; lễ hội văn hóa không giữ được thuần phong mỹ tục… Cùng với đó là những lo lắng trước nhiều vấn đề dân sinh, bức xúc trong dư luận xã hội như tình trạng vi phạm ATVSTP, ô nhiễm môi trường… và mong muốn Quốc hội, các ĐB Quốc hội sẽ dành sự quan tâm để giải quyết.