Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hoạt động gợi nhớ Tết xưa

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ là dịp quây quần sum họp bên gia đình mà còn chứa đựng bản sắc dân tộc.

Trong những ngày cuối năm, nhiều hoạt động trưng bày, tái hiện không khí phong vị Tết xưa được tổ chức tại Hà Nội.

Bức tranh đa sắc ngày Tết

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm quan trọng, chứa đựng nhiều mong ước cũng như những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Để tiễn năm cũ qua đón năm mới đến, các nghi lễ truyền thống cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu vừa được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về để “Tống cựu nghinh tân”.

Du khách trải nghiệm chợ hoa Tết truyền thống. Ảnh: Duy Khánh
Du khách trải nghiệm chợ hoa Tết truyền thống. Ảnh: Duy Khánh

Ngoài ra, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trưng bày không gian phong tục Tết truyền thống mô tả không khí chuẩn bị đón Tết, phong tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết... Đặc biệt, trong dịp Xuân mới năm nay, không gian khu di sản được sắp đặt nhiều tiểu cảnh, vườn hoa rực rỡ. Khu vực Đoan Môn được trang trí nổi bật với nhiều loài hoa như: Hoa xác pháo, hoa hướng dương, hoa cúc và hoa hồng.

Tiếp nối các hoạt động văn hóa truyền thống, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức khai mạc chợ hoa truyền thống Hàng Lược và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng, phục vụ người dân mua sắm, vui chơi nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Chợ hoa Tết truyền thống tại các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Rươi và Hàng Khoai - người dân thường quen gọi là chợ hoa Hàng Lược, từ lâu đã trở thành một nét sinh hoạt độc đáo của người dân phố cổ nói riêng, người dân Hà Nội nói chung.

Điểm đặc biệt của chợ hoa Tết truyền thống là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ ngày 15 đến ngày 30 tháng Chạp, càng gần Tết càng đông vui, tấp nập tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết Hà thành. Người dân đi chơi chợ Tết, có thể mua sắm những cây quất cảnh, hoa tươi, hoa đào và đồ trang trí, đồ giả cổ, hoa lụa.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho biết: Quận Hoàn Kiếm tổ chức chợ hoa truyền thống và các hoạt động tại không gian bích họa phố Phùng Hưng nhằm tạo không khí phấn khởi, vui tươi đón Tết truyền thống trong Nhân dân; đồng thời, quảng bá, giới thiệu với khách du lịch về Tết Nguyên đán cổ truyền, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm truyền thống; góp phần phục hồi, phát triển kinh tế quận thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đón đoàn khách nước ngoài hiện đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội, đến từ một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế của các nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam và Hà Nội. Trong chương trình “Chợ Tết xứ Đoài”, du khách đã trải nghiệm không gian chợ Tết truyền thống tại sân đình Mông Phụ với các gian hàng giới thiệu đặc sản, sản phẩm thủ công, làng nghề của địa phương và không gian trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền như ông đồ viết thư pháp, trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trải nghiệm làm bánh chưng, bánh tẻ, các loại kẹo.

Chương trình được tổ chức với mục đích quảng bá giá trị văn hóa truyền thống Tết của Nhân dân Việt Nam tới bạn bè quốc tế từ các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội; giới thiệu đến các DN du lịch một điểm đến đặc sắc ngoại thành Hà Nội để xây dựng sản phẩm du lịch. Đó cũng là hoạt động có ý nghĩa nhằm triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Bên cạnh những hoạt động kể trên, một trong những chương trình mới, thu hút được nhiều du khách trong những ngày gần đây là không gian đường hoa Xuân Hà Nội với chủ đề “Hành trình vàng son Tết Việt” trong khuôn khổ sự kiện “Home Ha Noi Xuân 2022” tại Khu đô thị Mailand Hanoi City-Splendora, Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Đây là năm thứ hai đường hoa Xuân được tổ chức cho cư dân khu đô thị và người dân Thủ đô vui Xuân, đón Tết Nhâm Dần. Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy các giá trị văn hóa, tinh thần của Thành phố sáng tạo Hà Nội.

Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa tạo không gian văn hóa cho người dân vui Xuân, đón tết vừa an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp kiểm soát số người tham gia, Ban Tổ chức đã phân chia lịch hoạt động một cách khoa học, văn minh, đảm bảo giãn cách và an toàn cho mọi du khách tới tham quan, thưởng lãm. Theo đó, du khách khi đến vui chơi đều được yêu cầu quét mã QR để khai báo y tế, rửa tay và đo thân nhiệt.

Tại chợ hoa Tết Hàng Lược, UBND quận Hoàn Kiếm đã xây dựng và triển khai phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ hoa Tết. Cụ thể, quận đã giảm 50% số lượng ô kinh doanh tại khu vực chợ; tổ chức ký cam kết thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các hộ kinh doanh, gian hàng trong chợ. Tại khu vực lối vào chợ hoa Tết, tổ chức lực lượng đo thân nhiệt, yêu cầu người bán hàng, khách hàng thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định.

Có thể thấy, các hoạt động tái hiện Tết truyền thống đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Hà Nội; quảng bá hình ảnh Thủ đô có bề dày lịch sử, thanh lịch, văn minh đến bạn bè trong nước và quốc tế; góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, tạo động lực phục hồi, phát triển kinh tế quận thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.