Nằm ở số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Di tích quốc gia đình Tú Thị là nơi thờ ông Lê Công Hành, người được coi là ông tổ của những người thợ thêu cổ truyền Việt Nam.
Theo các tư liệu sử, ông Lê Công Hành sinh năm 1606, lúc trẻ tên là Trần Quốc Khải, là người làng Quất Động, huyện Thường Tín (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ đời vua Lê Thần Tông (năm 1637), được triều đình bổ dụng, làm đến chức Thượng thư Bộ Công.
Năm 1646, Trần Quốc Khải được cử đi sứ Trung Hoa. Là người thông minh và nhanh nhạy, ông đã học được kỹ thuật tinh xảo của nghề thêu và nghề làm lọng, đưa các nghề này về truyền cho nước ta.
Do lập được nhiều công trạng, ông được triều đình ban cho Kim tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công, tước Thanh Lương hầu, được vua ban quốc tính. Do đó mà ông có tên Lê Công Hành.
Đình Tú Thị hiện nay ở số nhà 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa kia, là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.
Đình có tên nôm là "Đình Chợ Thêu", tên chữ là"Tú Đình Thị" nghĩa là "Chợ đình Thợ Thêu". Trước đây, ngôi đình từng là nơi buôn bán, trao đổi các mặt hàng thêu.
Vào ngày 27/2/2024, (18 tháng 1 năm Giáp Thìn) tại đình Tú Thị (số 2A phố Yên Thái, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm) diễn ra Lễ dâng hương kỷ niệm 418 năm ngày sinh của ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành.
Nhân dịp này, UBND phường Hàng Gai tổ chức triển lãm sản phẩm nghề thủ công truyền thống Tranh thêu tay. Các bức tranh triển lãm được nghệ nhân ở xã Quất Động, huyện Thường Tín thực hiện trên chất liệu lụa truyền thống của Việt Nam (Hà Đông, Bảo Lộc), với các chủ đề về phong cảnh quê hương, đất nước, Hồ Hoàn Kiếm... góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam tới du khách trong và ngoài nước.
Hoạt động trên cũng nhằm phát huy, đưa các di tích lịch sử văn hóa trở thành không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng gắn kết cộng đồng, trở thành điểm đến hấp dẫn của Nhân dân và du khách.