Gìn giữ văn hóa truyền thống
Phát biểu khai mạc Tuần lễ du lịch văn hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, cách đây hơn 2300 năm, từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, sau khi lãnh đạo cuộc kháng chiến chống hơn 50 vạn quân Tần thắng lợi. Thục An Dương Vương đã thống nhất hai tộc Âu – Việt dựng nước Âu Lạc, xây dựng Loa thành tạo nên kinh đô Cổ Loa của nước Âu Lạc.
Cuối năm 938, sau chiến thắng oanh liệt đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Anh hùng dân tộc Ngô Quyền quyết định xưng Vương, lập nên nhà Ngô và chọn Cổ Loa làm Kinh đô, phục hồi quốc thống, tạo nên bước ngoặt vĩ đại của lịch sử đất nước, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm, mở ra kỷ nguyên độc lập lâu dài và phát triển huy hoàng của quốc gia Đại Việt. Cổ Loa – Đông Anh, lần thứ 2 được chọn là Kinh đô của nước Việt, đã trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.
“Hôm nay, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa, UBND huyện Đông Anh long trọng tổ chức khai mạc Tuần lễ du lịch văn hoá “Về vùng đất Kinh đô xưa” huyện Đông Anh năm 2023, đây là sự kiện quan trọng của huyện chào mừng 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, hướng tới chùm hoạt động chào mừng sự kiện cộng nhận quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nói.
Cũng theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh, trong suốt hành trình xây dựng, phát triển, Đông Anh là mảnh có số lượng danh nhân, khoa bảng, xếp thứ hai trong lịch sử nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; cùng với 413 di tích mang giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hoá, 98 lễ hội dân gian đặc sắc như: hội rước vua, kén rể, rước mã, kéo lửa thổi cơm thi và các bộ môn nghệ thuật truyền thống như ca trù, rối nước, tuồng, chèo…
Những giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tại huyện luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần, trở thành nguồn lực vô giá. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển du lịch của huyện, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện trong thời gian tới.
Đến với Tuần lễ du lịch văn hoá “Về vùng đất Kinh đô xưa” Nhân dân và du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm ẩm thực truyền thống, nông sản đặc trưng, văn hoá truyền thống tiêu biểu của vùng đất Cổ Loa; Tham gia các hoạt động trải nghiệm: bắn nỏ Loa thành, làm bỏng chủ, xây thành và các trò chơi dân gian truyền thống.
“Cùng với đó là được hòa mình trong những loại hình trình diễn nghệ thuật truyền thống Chèo, Tuồng, Rối nước để cảm nhận những giá trị nhân văn sâu sắc, sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật truyền thống trên trên hành trình khám phá di sản văn hóa vùng đất cố đô xưa, tạo cầu nối văn hóa, để thêm hiểu con người Đông Anh” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nhấn mạnh.
Phát huy tiềm năng du lịch
Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết, thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội năm 2023; Kế hoạch số 359/2023/KH-UBND của UBND huyện Đông Anh về tổ chức Tuần du lịch văn hoá “Về vùng đất Kinh đô xưa” năm 2023. UBND xã Cổ Loa xây dựng kế hoạch phối hợp, triển khai các hoạt động hưởng ứng Tuần du lịch văn hóa.
“Đây là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội nhằm giới thiệu, quảng bá, kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Cổ Loa, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của xã, huyện năm 2023 và những năm tiếp theo. Thông qua hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu về truyền thống văn hóa, lịch sử, con người Cổ Loa trong từng giai đoạn lịch sử sẽ tạo thành điểm nhấn trong phát triển du lịch của huyện” – ông Nguyễn Kim Nhật cho hay.
Đặc biệt, với việc tổ chức Tuần lễ du lịch văn hóa còn góp phần mở rộng liên kết, phát triển du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các xã, phường, quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ đó có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các vùng, miền. Tạo cơ hội để những doanh nghiệp lữ hành tìm hiểu, mở rộng thị trường, xây dựng nhiều tuor du lịch mới giới thiệu đến du khách.
Cùng với đó, còn góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư trên địa bàn xã trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp; nâng cao ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống, không ngừng sáng tạo và làm giàu thêm giá trị di sản văn hóa Cổ Loa, Đông Anh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
“Hoạt động của Tuần du lịch văn hoá “Về vùng đất Kinh đô xưa” với mục đích tôn vinh giá trị di sản văn hóa của xã, đảm bảo tính chân thực trong quá trình giới thiệu, giao lưu, khai thác những tiềm năng văn hóa dân gian của địa phương. Tạo thành chuỗi hoạt động trong việc quảng bá, xúc tiến tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch của xã; tạo ấn tượng tốt đẹp và sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư và du khách” – Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật cho biết thêm.