Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hoạt động văn hóa, giải trí dịp 30/4 - 1/5

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 27/4 - 23/5, Cục Điện ảnh sẽ tổ chức trình chiếu những bộ phim về đề tài truyền thống lịch sử, về người chiến sĩ cách mạng, về thế hệ thanh niên trong thời chiến và thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước…

Tuần phim kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam

Các phim được chọn chiếu gồm: Phim truyện “Mẹ ơi con đã về” do Công ty CP Phim Truyện I sản xuất xoay quanh câu chuyện về hai mảnh đời cô đơn: Bà Nga, một cựu quân y, có chồng, con đều là liệt sĩ và Minh - cậu bé mồ côi, con trai của hai người lính. 20 năm sau chiến tranh, bà Nga vẫn hứng chịu nỗi mất mát, thương đau sau cuộc chiến, phải sống trong cô đơn và bệnh tật, còn Minh bị cuộc sống xô đẩy đến mức không còn đường sống. Họ đã cùng chia sẻ nỗi bất hạnh và tình mẫu tử đã đem lại cho họ một cuộc sống ấm áp dưới một mái nhà.
Phim truyện “Giấc mơ thổ cẩm” do Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo sản xuất là câu chuyện về Hoa - cô gái trẻ người dân tộc Mường sinh ra trong một gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm nhưng theo thời gian, nghề dệt đã bị mai một. Hoa đã cùng những người bạn khôi phục được nghề dệt và giúp đỡ bà con trong bản phát triển kinh tế với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Du khách tham quan các hiện vật về chiến tranh Việt Nam tại bảo tàng quân sự Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài ra, tại hệ thống các rạp trên toàn quốc còn trình chiếu phim tài liệu “Một đất mẹ cho tất cả”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Thời trẻ trung sôi nổi”. Chương trình miền núi số chuyên đề “Giữ vững an ninh trật tự và an toàn đời sống xã hội ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số” do Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo sản xuất là chuyên san gồm 7 chuyên mục: Chuyên mục phổ biến chính sách pháp luật, chuyên mục thiếu nhi, chuyên mục ca nhạc, chuyên mục phóng sự chuyên đề, chuyên mục phổ biến kiến thức khoa học, chuyên mục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chuyên mục phim truyện (bộ phim “Đường về bản”).

Triển lãm “Nhật ký thời chiến”

Từ ngày 27/4 - 30/5, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam sẽ giới thiệu giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Thư, Nhật ký tiêu biểu viết trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn những tâm tư tình cảm, tình yêu quê hương đất nước của người chiến sĩ; tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin chiến thắng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Triển lãm gồm 2 phần: Phần 1: Thư thời chiến, có thể là thư thời từ chiến trường gửi về hậu phương hoặc thư từ hậu phương gửi ra chiến trường. Ngày 19/7/1968, chị Võ Thị Tần quê xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh viết thư về cho mẹ: “Mẹ ơi, ở đây vui lắm mẹ ạ, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng mang bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”. Chị Tần là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, thuộc Đại đội 552, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh. Chị là 10 cô gái đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc trong trận bom của Mỹ ngày 24/7/1968.
Phần 2 là Nhật ký thời chiến là những dòng nhật ký chiến trường và nhật ký trở về. Có nhật ký ghi chép bằng chữ, có nhật ký ghi chép bằng tranh phản ánh quá trình hành quân, huấn luyện, chiến đấu, cảnh vật chiến trường và những phút giây đời thường của những người lính qua bàn tay tài hoa, tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ - họa sĩ...

Trưng bày chuyên đề  “Chân trần chí thép”

Trưng bày “Chân trần chí thép” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò gồm 4 nội dung: “Theo dấu chân Người”, “Từ trong tù ngục”,“Chân trần chí thép” và “Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam”, với hơn 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý. Trong đó, phần “Theo dấu chân Người” giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Phần “Từ trong tù ngục” thể hiện “chất thép” của những chiến sĩ cách mạng kiên cường, họ đã biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cách mạng... “Chân trần chí thép” giới thiệu những vị tướng trong lòng dân, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Chu Huy Mân, Hoàng Văn Thái... Họ là những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là những người tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường, lan tỏa chí thép đến toàn quân.

Bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam là nội dung cuối của trưng bày, thể hiện ý chí sắt đá của Nhân dân Việt Nam kiên cường chiến đấu, lập nên những chiến thắng vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cũng trong dịp này, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò còn tổ chức trưng bày hai tổ hợp: “Mốc son Điện Biên Phủ - 1954” và “Sử vàng đại thắng - 1975”. Tổ hợp “Mốc son Điện Biên Phủ - 1954” thể hiện khí thế sục sôi của lực lượng dân quân trong vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ ở chiến trường Điện Biên Phủ. Tổ hợp “Sử vàng đại thắng - 1975” tái hiện trạm giao liên nơi dừng chân trên đường hành quân vượt Trường Sơn của người lính với những vật dụng quen thuộc như võng, ba lô, mũ cối, bi-đông...