Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống tại Lễ hội Cổ Loa

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 15/2, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) tổ chức khai mạc Lễ hội Cổ Loa xuân Giáp Thìn 2024. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã tới dự và dâng hương.

Ngày mùng 6 tháng Giêng là ngày vua An Dương Vương tước vị lên ngôi Hoàng Đế, ngài là người có công sáp nhập bộ tộc Âu Việt - Lạc Việt thành lập quốc gia Âu Lạc hùng mạnh, mở mang bờ cõi xuống đồng bằng, miền biển, dựng kinh đô ở Cổ Loa (nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Đây là mảnh đất địa linh nhân kiệt, cuối trung du, đầu đồng bằng, mảnh đất thiên linh có mã quỳ - voi phục - cửu long tranh châu, quy tụ được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Vua An Dương Vương chính ngôi 50 năm, 18 năm đắp lũy xây thành, 10 năm chống giặc ngoại xâm.

Nghi lễ rước kiệu Vua tại lễ hội Cổ Loa.
Nghi lễ rước kiệu Vua tại lễ hội Cổ Loa.

Trải qua hơn hai nghìn năm lịch sử, Nhân dân bát xã Loa Thành cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm lại thành kính tổ chức lễ hội để ghi nhớ công đức của đức vua An Dương Vương - vị anh hùng dân tộc. Lễ hội mùng 6 tháng Giêng của Nhân dân bát xã Loa Thành được tổ chức là biểu hiện nét đẹp văn hóa truyền thống, biểu thị tính giáo dục cao về truyền thống văn hóa, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Đồng thời để tỏ lòng biết ơn công đức của vị Vua hiền, ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Nhân dân và du khách thập phương về dự lễ hội ai cũng một lòng thành kính, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, đất nước phồn vinh; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa và đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, hướng con người đến chân - thiện - mỹ.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh dâng hương tại lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh dâng hương tại lễ hội.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa, một trong những di tích lịch sử vô cùng quý giá với những vòng thành độc đáo, công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, các khu di chỉ khảo cổ học quan trọng, nơi 2 lần là kinh đô của nước Việt, đã trở thành biểu tượng của nền văn minh Việt cổ đáng tự hào của dân tộc ta.

Trải mấy nghìn năm lịch sử, Cổ Loa chứng kiến biết bao sự đổi thay của đất nước, nhưng với người dân Đông Anh vẫn còn lưu giữ kho tàng huyền thoại về vua Thục xây thành Ốc, chuyện nàng tiên gánh đất xây thành, chuyện diệt Bạch Kê tinh ở núi Sái hay tướng Cao Lỗ chế nỏ thần diệt quân xâm lược… Mỗi câu chuyện đều mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hơn thế, trong lòng đất Cổ Loa, cho đến nay vẫn là kho lưu trữ hồ sơ lịch sử vô cùng phong phú, giá trị; mỗi lớp đất là một trang sách đời, nhưng công cụ như trống đồng, mũi tên đồng, mảnh gốm thô, rìu đá, chì lưới, cùng với nét văn hoá truyền thống cổ xưa được người dân Cổ Loa gìn giữ, phát huy.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc lễ hội Cổ Loa năm 2024.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng phát biểu khai mạc lễ hội Cổ Loa năm 2024.

Với những giá trị, ý nghĩa sâu sắc về văn hoá, lịch sử, năm 1962 di tích Cổ Loa được xếp hạng cấp Quốc gia. 50 năm sau, năm 2012 Cổ Loa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa; năm 2021, lễ hội Cổ Loa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa tạo nên sự cổ kính, ngàn năm văn hiến của Thủ đô Hà Nội, là điểm nhấn cho vị thế, vai trò trung tâm đầu não, phồn thịnh của miền đất Thượng kinh.

“Những tính chất đặc trưng như: Kinh thành, Quân thành, Thị thành cổ đại, cùng với những giá trị của một quá trình rất lâu dài đấu tranh bảo vệ - bảo tồn bản sắc đã tôn lên giá trị của Cổ Loa và Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, là niềm vinh dự, tự hào đối với mỗi người dân Đông Anh và Thủ đô Hà Nội” – Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.

Nhân dân bát xã Loa Thành thực hành nghi thức tế, lễ tại lễ hội Cổ Loa năm 2024.
Nhân dân bát xã Loa Thành thực hành nghi thức tế, lễ tại lễ hội Cổ Loa năm 2024.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cũng khẳng định, năm Giáp Thìn 2024 là một mùa Xuân đặc biệt, toàn huyện đang tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, đưa Đông Anh phát triển lên tầm cao mới, một quận hiện đại và phát triển bền vững. Đây là thời cơ, vận hội lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Đông Anh. Để khát vọng đó trở thành hiện thực, mỗi người dân địa phương, lớp lớp con cháu của người dân Âu Lạc xưa đang sinh sống trên mảnh đất Cổ Loa nói riêng, huyện Đông Anh nói chung cần phải có trách nhiệm với lịch sử bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa.

Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật, lễ hội Cổ Loa năm 2024 ngoài phần nghi lễ quan trọng: Dâng hương của Bát xã Loa Thành; Thực hành nghi thức tế, lễ; nghênh rước kiệu vua An Dương Vương và rước kiệu Bà Chúa của Bát xã Loa Thành. Lễ hội Cổ Loa và bát xã Loa Thành năm nay sẽ diễn ra từ ngày mùng 5 đến 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: Đấu vật, bắn nỏ, bóng chuyền, cờ người, diễn tuồng cổ, đu tiên, múa rối nước Đào Thục, hát quan họ trên thuyền rồng...