Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hợp đồng tỷ USD được ký kết nhân chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trương Huyền (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một phần hoạt động hợp tác thuộc khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Vietnam Airlines ký 500 triệu USD bảo dưỡng động cơ Boeing 787-9
Ngày 26/3 (giờ địa phương) tại trụ sở Quốc hội Pháp, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty kỹ thuật và bảo dưỡng máy bay Air France Industries KLM Engineering & Maintenance (AFI KLM E&M) đã ký kết và trao hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Boeing 787-9 trị giá hơn 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng). Lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp Francoi de Rugy.
Vietnam Airlines và Công ty AFI KLM E&M ký kết và trao Hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay Boeing 787-9. (Ảnh: VNA cung cấp)
Theo hợp đồng, AFI KLM E&M sẽ bảo dưỡng 20 động cơ GEnx (gồm 16 chiếc cho 8 máy bay đang khai thác và 4 chiếc dự phòng) của Vietnam Airlines trong vòng 12 năm. AFI KLM E&M cũng hỗ trợ cung cấp thêm động cơ dự phòng cho Vietnam Airlines trong trường hợp cần thiết để đảm bảo hiệu quả khai thác tối ưu.

Ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: “AFI KLM E&M sẽ đảm bảo vận hành tốt cho đội máy bay Boeing 787-9 của Vietnam Airlines, giúp hãng khai thác hiệu quả hơn những đường bay quốc tế dài và nội địa trọng điểm với chất lượng dịch vụ 4 sao, khẳng định cam kết mang đến cho hành khách những trải nghiệm tốt nhất”.

Trong khi đó, bà Anne Brache - Phó Tổng giám đốc AFI KLM E&M nhấn mạnh, AFI KLM E&M rất tự hào khi tiếp tục được Vietnam Airlines tin tưởng, lựa chọn đồng hành trong chương trình nâng cấp đội tàu bay hiện đại, với việc cung cấp phụ tùng, vật tư và bảo dưỡng động cơ GEnx cho đội bay Boeing 787-9 của hãng. Được biết, Vietnam Airlines và AFI KLM E&M đã có 25 năm hợp tác cùng nhau.

Động cơ GEnx lắp đặt trên Boeing 787-9 Dreamliner là một trong những động cơ phản lực tiên tiến nhất hiện nay, được chế tạo từ vật liệu thế hệ mới thông qua một quy trình thiết kế giúp giảm trọng lượng và nâng cao công suất. Động cơ GEnx cũng đặc biệt thân thiện với môi trường, giảm 15% nhiên liệu tiêu thụ và 15% khí CO2 (so với động cơ CF6 trên Boeing 767).
Tập đoàn FLC mua 24 máy bay tối tân của Airbus
Vào lúc 15h45 ngày 26/3 (theo giờ địa phương tại Pháp), Hợp đồng thỏa thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus (châu Âu) đã được chính thức ký kết, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz (phải) ký kết hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO cho Bamboo Airways
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết: Sau khi xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã quyết định chọn A321NEO để phục vụ hoạt động của hãng hàng không. Dòng máy bay này sẽ cho phép chúng tôi cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả, phù hợp và tiện nghi nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam.

A321NEO là phiên bản mới thuộc dòng A321 - loại máy bay lớn nhất trong gia đình máy bay A320 của Airbus, có khả năng chở đến 240 hành khách, sử dụng động cơ và công nghệ tối tân và hứa hẹn sẽ giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu lên đến 20% tính đến năm 2020. Đây cũng là mẫu máy bay một lối đi có tầm bay xa nhất trên thị trường hiện nay, đạt 4.000 dặm (6.437 km) không nghỉ.
Vietjet ký nhiều hợp đồng, thỏa thuận trị giá 7,3 tỷ USD tại Pháp
Ngày 27/3, tại Paris (Pháp), Hãng hàng không Vietjet và tập đoàn Safran - CFM ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về cung cấp động cơ và các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng cho các tàu bay của hãng trị giá 6,5 tỷ USD. Lễ ký diễn ra dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao hai nước.

The đó, Safran - CFM sẽ cung cấp 321 động cơ, phục vụ cho 148 tàu bay của hãng Vietjet; cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng động cơ, công tác đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng không, các chương trình nghiên cứu ứng dụng tiết kiệm nhiên liệu, quản lý kỹ thuật và xây dựng cơ sở bảo dưỡng.

Ông Đinh Việt Phương - Phó Tổng giám đốc Vietjet tin tưởng, với những ưu thế về kỹ thuật, những động cơ mới này sẽ giúp nâng cao năng lực khai thác của đội bay Vietjet, giúp hãng hiện thực hoá chiến lược kinh doanh hướng ra toàn cầu, phục vụ tốt hơn và đa dạng các nhu cầu của hành khách.

Cũng trong dịp này, Vietjet đã ký kết hợp đồng với công ty GECAS France thuê, mua 6 tàu bay A321neo trị giá 800 triệu USD.

Safran là tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, hoạt động trong lĩnh vực động cơ và thiết bị tàu bay, hàng không vũ trụ và quốc phòng. Hiện nay, Safran có khoảng gần 58.000 nhân viên trên toàn thế giới. Trong năm 2017, doanh thu của tập đoàn này đạt 16,5 tỷ euro. Safran niêm yết trên sàn chứng khoảng Euronext Paris, thuộc nhóm CAC40 và Euro Stoxx 50.

Trong khi đó, GECAS là công ty tài chính hàng không hàng đầu thế giới, trực thuộc tập đoàn GE. Với hơn 45 năm kinh nghiệm hoạt động, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính như thuê khai thác, mua, thuê lại, tài trợ các khoản nợ có đảm bảo, thị trường vốn, thuê động cơ, quản trị các bộ phận thân tàu bay và các dịch vụ tư vấn hàng không. Hiện GECAS đang quản lý hơn 1.950 tàu bay cung cấp dịch vụ cho khoảng 270 khách hàng từ 75 quốc gia trên toàn thế giới.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chứng kiến lễ trao thỏa thuận giữa hãng Hàng không Vietjet Air và Tập đoàn SAFRAN-CFN.  Ảnh: TTXVN
Tập đoàn T&T ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án đường sắt đô thị số 3
Cũng trong ngày 27/3, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues của Pháp đã ký Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác đầu tư Dự án đường sắt đô thị số 3 và Dự án nâng cấp mở rộng sân vận động Hàng Đẫy, TP Hà Nội.

Cụ thể, Tập đoàn T&T đã xây dựng kế hoạch đầu tư và phát triển dự án đường sắt đô thị số 3 (đường sắt đôi) theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) với hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) kết nối trung tâm TP Hà Nội với thị xã Sơn Tây (Nhổn - Trôi - Phùng - Vành Đai 4 - Sơn Tây) có tổng chiều dài 31,1km, tổng giá trị đầu tư vào Dự án ước tính khoảng 1,4 tỷ euro (khoảng 39.716 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, T&T cũng có kế hoạch đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng, vận hành và bảo trì sân vận động Hàng Đẫy, tổng giá trị đầu tư của dự án nâng cấp, mở rộng ước tính khoảng 250 triệu euro (khoảng 7.000 tỷ đồng).

Trên thị trường xây dựng, Bouygues Construction là một trong những thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mang tầm quốc tế.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tập đoàn FPT đã ký Bản ghi nhớ với Airbus về việc xây dựng năng lực và đội ngũ tư vấn, phát triển nền tảng dữ liệu Skywise của Airbus; Tập đoàn FPT ký Bản ghi nhớ với Tập đoàn Geopost về việc giúp hiện đại hóa hệ thống IT, tăng hiệu quả hoạt động của Geopost.