Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều hướng mở để du lịch Bình Định tăng tốc

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, Bình Định hội đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, du lịch Bình Định vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình, đặc biệt là du lịch biển, đảo và các không gian du lịch núi, rừng...

Du lịch Bình Định khởi sắc

Ngày 29/4, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch Bình Định trong tình hình mới”. Hội thảo nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch Bình Định so với cả nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, nhìn rõ cơ hội và thách thức; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới, đề xuất những chính sách, giải pháp hỗ trợ, đưa ngành du lịch phát triển đột phá.

Đại diện UBND tỉnh Bình Định ký kết hợp tác chiến lược với hãng hàng không Vietnam Airlines.
Đại diện UBND tỉnh Bình Định ký kết hợp tác chiến lược với hãng hàng không Vietnam Airlines.

Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết, Bình Định mang nét tương đồng với 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước. Do đó, Bình Định mong muốn ngoài phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo thì có nét đặc trưng riêng đó là du lịch khám phá khoa học.

“Tại hội thảo lần này, Bình Định mong các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia có những giải pháp đề xuất, góp ý để chúng tôi định hướng thúc đẩy phát triển ngành du lịch Bình Định xứng tầm trong tương lai” - ông Nguyễn Phi Long chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, những năm gần đây Bình Định đã trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực và trong nước. Lượng khách du lịch, tổng thu, đóng góp của du lịch vào GDP ngày càng tăng ngày càng tăng.

Tính đến cuối năm 2019 (trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra), khách du lịch đến Bình Định đạt gần 5 triệu lượt khách (tăng bình quân 16,7%/năm), doanh thu du lịch đạt 6.000 tỷ đồng (tăng bình quân 55,1%/năm); đóng góp của hoạt động du lịch vào tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh là 18%. Quý I năm 2022 toàn tỉnh đón được gần 1 triệu lượt khách, tăng 27% và doanh thu đạt 1.312 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các bộ, ngành và địa phương tham dự Hội thảo. 
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các bộ, ngành và địa phương tham dự Hội thảo. 

Đặc biệt, dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 Âm lịch vừa qua, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, tỉnh Bình Định đã đón gần 79 nghìn lượt khách, xếp vị trí thứ nhất trong 5 tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bao  gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. 

“Với phương châm thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển hiệu quả, chúng tôi mong muốn được lắng nghe nhũng ý kiến chân thành, thẳng thắn, các kinh nghiệm quý báu từ quý vị đại biểu để chúng tôi định hướng và đề ra giải pháp cụ thể, các chính sách hỗ trợ thiết thực có tính lan tỏa, tạo cú hích cho ngành du lịch bay cao, vươn xa trong thời gian tới” – ông Lâm Hải Giang chia sẻ.

Nhiều hướng mở cho du lịch Bình Định

Tại hội thảo, các chuyên gia đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của du lịch Bình Định đạt được. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng Bình Định vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của mình. Đặc biệt là du lịch biển, đảo và các không gian du lịch núi, rừng trên địa bàn. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hệ thống cơ sở lưu trú còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo. 
PGS.TS. Trần Đình Thiên chia sẻ tại Hội thảo. 

PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Trung ương cho rằng, Bình Định cần xác định mục tiêu hướng đến đó là phải xây dựng “chân dung” du lịch Bình Định mang đẳng cấp riêng.

Theo đó, Bình Định cần tập trung xây dựng các tuyến phố du lịch và phát triển kinh tế đêm, phát triển khu du lịch Hải Giang, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Liên kết phát triển du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, trọng tâm là tiểu vùng Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Gia Lai - Kon Tum và Bình Định đóng vai trò chức năng là trung tâm văn hóa hội tụ và lan tỏa.

Dưới góc nhìn quản lý, TS. Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Bình Định cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ; đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp phát triển sản phẩm, làm mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch theo xu hướng mới.

Đặc biệt, Bình Định cần thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp phù hợp nhu cầu, xu hướng mới của du khách.

TS. Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Bình Định cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.
TS. Nguyễn Lê Phúc cho rằng, Bình Định cần phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch - Tổng cục Du lịch nhận định, trước mắt tập trung khai thác tốt các thị trường đã khôi phục kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã có chính sách nới lỏng hoặc mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch, cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Cụ thể như: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, chuẩn bị kế hoạch xúc tiến thị trường Trung Quốc khi điều kiện cho phép), Tây Âu và Bắc Âu đã được miễn visa đơn phương, Úc, New Zealand và Đông Nam Á, Bắc Mỹ và Ấn Độ.

Song song đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển đảo thành thương hiệu mạnh, có lợi thế cạnh tranh của Bình Định gồm: sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp, du lịch thể thao, giải trí trên biển, du lịch sinh thái biển (đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, đầm Trà Ổ…), du lịch tham quan, thắng cảnh biển đảo (Kỳ Co Eo Gió, Cù Lao Xanh, Trung Lương, Vĩnh Hội).

Tại hội thảo, UBND tỉnh Bình Định đã ký kết hợp tác chiến lược với các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines nhằm tạo điều kiện khai thác tiềm năng phát triển du lịch Bình Định.

 

Lược trích tham luận của ông Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Bình Định là địa phương đi sau, cần rút kinh nghiệm khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là khai thác du lịch ven biển phải đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu và nhất quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế. Do đó, cần đề cao vai trò của công tác quy hoạch, thực hiện theo quy hoạch; tránh cho được những dự án đầu tư chỉ vì lợi ích trước mắt, mà không lường hết hệ quả lâu dài.

Bình Định lưu ý, phát triển du lịch theo tính chất của một “cụm ngành” được công nghiệp hóa. Cần đặt mục tiêu đưa Quy Nhơn - Bình Định thành “điểm đến du lịch Châu Á” với “tầm nhìn toàn cầu” để thu hút đầu tư và phát triển đúng tầm. Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạch động trên cả 4 lĩnh vực: lưu trú (bao gồm bất động sản nghỉ dưỡng), dịch vụ hưởng thụ, ẩm thực và mua sắm.

Song song đó, Bình Định cần kết hợp cho được lợi thế tự nhiên của du lịch với những nét đặc thù về văn hóa, tạo nên sự đa dạng về sản phẩm du lịch, chú trọng cả du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, hiện đại hóa các “làng nghề”, “làng chài” thành những điểm đến du lịch… Trước mắt cần thu hút đầu tư tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và hiện đại hóa “làng rượu bầu đá” và xây dựng “Nhà văn hóa ẩm thực Bình Định”.