Nhiều kênh vốn rẻ cho doanh nghiệp, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng

Theo Bảo Chương/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Để đẩy mạnh tín dụng , ngành ngân hàng vẫn đang nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, đồng thời giảm thêm lãi suất vay.

Các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi vay và tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Nguồn: Vietcombank
Các ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi vay và tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi. Nguồn: Vietcombank

Lãi suất vay đã giảm, nhu cầu vốn vẫn chưa cải thiện

Theo khảo sát, trong tháng 8/2023, một số ngân hàng đã tung nhiều gói ưu đãi giảm lãi suất khoản vay mới để kích cầu tín dụng. Trong khi đó, các khoản vay cũ cũng được điều chỉnh nhưng giảm chậm hơn so với khoản vay mới. Tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, lãi suất vay ngân hàng cho các khoản vay hiện hữu đã giảm từ 1-2%.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất, đồng thời giảm thêm lãi suất cho vay như ngân hàng MSB giảm lãi suất cơ sở cho vay đến 1%/năm, VietBank có gói cho vay ưu đãi 1.000 tỉ đồng với lãi suất từ 8,9%/năm. Ngân hàng ACB nâng quy mô gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 20.000 tỉ đồng lên 30.000 tỉ đồng với mức giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất...

Qua trao đổi với nhiều lãnh đạo ngành ngân hàng thì lãi suất giảm là yếu tố cần để kích thích nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhưng chưa đủ, tăng trưởng tín dụng được dự báo khó có thể đột biến trong những tháng cuối năm nay. Đáng lưu ý, tín dụng tháng 7 vừa qua chậm lại so với tháng 6, dù nửa đầu năm tăng thấp. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 7 là 4,3% so với cuối năm 2023, trong khi cuối tháng 6 đạt mức tăng 4,7%, cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đang suy giảm.…

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gặp khó khăn khi sức mua của thị trường giảm. Từ đó, nhiều doanh nghiệp không đủ nguồn thu để trả những khoản nợ đến hạn.

Khơi thông vốn cho bất động sản, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng

Thông tư 10/2023 được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 23.8 vừa qua nhằm ngưng hiệu lực một số quy định tại Thông tư 06 (thông tư sửa đổi Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước), theo đó người dân, doanh nghiệp vẫn được vay ngân hàng trong các trường hợp nhất định, thay vì bị kiểm soát từ 1/9 như dự định trước đó.

Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, Thông tư 10/2023 nằm trong chủ trương hỗ trợ của Chính phủ đối với thị trường bất động sản nói riêng và tăng trưởng tín dụng nói chung.

Việc tạm ngưng thi hành các khoản mục của Thông tư 06 sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn có cơ hội tái cơ cấu lại thông qua chuyển nhượng vốn tại các dự án cho các nhà đầu tư có năng lực vận hành tốt hơn hoặc thông qua cơ chế hợp tác kinh doanh với đối tác.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng có hành lang pháp lý để có thể cho vay đối với người đi mua bất động sản chưa có đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép bán hàng), nhưng đã đủ các điều kiện về pháp lý.

Ngoài ra, theo ACBS, điều này cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản trong việc đi vay để đầu tư, mở rộng quỹ đất hoặc đầu tư vào một dự án mới.

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - cho biết, tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 20% so với tín dụng chung, nên khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện tín dụng bất động sản tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung.

Trong dư nợ kinh doanh bất động sản thì chủ yếu là dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản (chiếm 65%), còn dư nợ tín dụng bất động sản lại giảm 1,12%. Điều này cho thấy nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm.

Tuy nhiên, đẩy mạnh tín dụng nhưng không hạ chuẩn tín dụng là mục tiêu lớn nhất mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm 2023. Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường có khó khăn hiện nay, nếu ngân hàng hạ điều kiện cho vay thì tín dụng có thể tăng ồ ạt, nhưng hệ luỵ là nợ xấu tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.