Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và chuyên gia, thời gian qua, công tác PCCC đối với những công trình nhà ở, đặc biệt là tòa chung cư hiện còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động hay xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đảm bảo yêu cầu về an toàn, thiếu trang thiết bị PCCC…
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác đã xảy ra hàng loạt vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và của, nguyên nhân chính là do công trình không đảm bảo về PCCC.
Đơn cử tại Hà Nội, trong đợt thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC, CNCH trên địa bàn TP Hà Nội tại quận Cầu Giấy mới đây của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, qua báo cáo từ UBND quận Cầu Giấy, 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận xảy ra 24 vụ cháy và 17 sự cố cháy. Trong đó, 1 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy trung bình, 35 vụ cháy nhỏ.
Mặc dù lực lượng chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt để xử phạt, nhưng thực tế số lượng công trình vi phạm quy định về đảm bảo PCCC vẫn ở số lượng lớn, đặc biệt là công trình nhà ở.
Theo báo cáo, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC; 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện PCCC; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn…
Trước thực trạng về công tác PCCC, vừa qua, Bộ Công an đã có văn bản yêu cầu công an các địa phương tham mưu UBND cấp tỉnh ban hành quy định về PCCC và phối hợp Bộ Xây dựng xây dựng những tiêu chuẩn về an toàn PCCC đối với nhà ở.
Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), tại các khu đô thị tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tăng nhanh, những tòa nhà dịch vụ thương mại cao tầng và trong khu dân cư có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ngày càng nhiều. Trong khi đó việc chấp hành quy định về PCCC theo quy định của pháp luật vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Lực lượng chuyên môn tham gia PCCC ở các địa bàn còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn...
Nhiều khu dân cư hiện hữu, mật độ dân cư rất lớn thường chưa đáp ứng về yêu cầu đường giao thông, nguồn nước chữa cháy và khoảng cách an toàn giữa các nhà. Nhiều cơ sở hoạt động thời gian dài, trước luật PCCC; hay cơ sở không được nghiệm thu PCCC đã đưa vào sử dụng... Vào tháng 1 vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BCA quy định về quy trình thực hiện công tác PCCC, CNCH trong Công an Nhân dân.
Với chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đối với công trình chung cư cao tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-BXD quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư, các vấn đề kỹ thuật, diện tích căn hộ, PCCC, thang máy có hiệu lực thi hành từ ngày 5/7/2021. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý về dự thảo Tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ với nhiều quy định mới liên quan tới an toàn chịu lực và an toàn cháy.
Theo đó, các công trình nhà ở riêng lẻ phải trang bị phương tiện hoặc có giải pháp báo cháy tự động trong các trường hợp: Nhà ở từ 7 tầng trở lên; tầng hầm/tầng nửa hầm có diện tích từ 200m2 được sử dụng làm kho chứa đồ, vật phẩm/hàng hóa phục vụ nhu cầu kinh doanh hoặc sử dụng làm chỗ để xe. Nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ quy định về trang bị hệ thống báo cháy tự động.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng khuyến khích người dân trang bị các phương tiện CNCH, phương tiện bảo hộ chống khói và dụng cụ phá dỡ thô sơ, lắp đặt các phương tiện báo cháy độc lập (đầu báo khói độc lập) ở những khu vực có công năng khác nhau của nhà; Lắp đặt các thiết bị chữa cháy tự động quy mô nhỏ, bình chữa cháy tự động kích hoạt cho những khu vực dùng cho mục đích dân dụng khác, đặc biệt là khu vực, gian phòng làm kho, sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp giữa năng lực chữa cháy với quy mô cần bảo vệ.