Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều lao động có nguy cơ mất việc vì robot

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 85% trên tổng số lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may – da giày của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tự động hóa do những tiến bộ đạt được trong kỹ thuật công nghệ.

Tại buổi đối thoại Chính sách việc làm trong thời gian tới “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” diễn ra hôm nay 13/12, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết: Toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn với nền kinh tế Việt Nam.

 Người lao động tham gia ứng tuyển tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội

Dự báo trong những năm tới, từ 2017 – 2025, lực lượng lao động của Việt Nam tăng bình quân hàng năm 1,28%, tương ứng 723.000 người/năm. Quy mô lực lượng lao động tăng từ 55,54 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 chỗ làm việc và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn là một hướng để tăng năng suất lao động.

Tuy nhiên, cơ cấu lao động qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Đáng lưu ý, lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật – công nghệ còn chiếm tỷ trọng thấp. Việt Nam đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, công nhân lành nghề, đặc biệt là những ngành trọng điểm như cơ khí, điện tử, kỹ thuật điện.

Chúng ta cũng đang thiếu chuyên gia dự báo, tư vấn pháp luật quốc tế, chuyên gia cao cấp về quản trị DN, tài chính, ngân hàng, thương mại quốc tế, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, điều khiển và tự động hóa, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo.

Theo một nghiên cứu của Tổ chức ILO, trong hai thập kỷ tới, khoảng 56% người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nguy cơ mất việc vì robot, đặc biệt là ngành may mặt. Vì thế, nếu Việt Nam không kịp thời trang bị thêm kỹ năng, kiến thức, nhiều công nhân sẽ có nguy cơ mất việc vì robot.

Nghiên cứu của ILO cũng chỉ ra, ngành dệt may – da giày đang thâm dụng lao động nhiều nhất tại Indonesia, Việt Nam và Campuchia. Trong đó, 86% công nhân dệt may của Việt Nam, 64% công nhân của Indonesia, 88% công nhân của Campuchia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm của xu hướng tự động hóa.

Đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực có các chính sách phúc lợi, đào tạo, chuyển hướng cho một bộ phận lao động bị mất việc do ứng dụng công nghệ thông tin mới.

Bộ LĐTB&XH cũng đề ra hai giải pháp tổng thể để đối phó thực trạng này. Thứ nhất, tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao.

Thứ hai, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ. Các DN vừa và nhỏ thu hút phần lớn lực lượng lao động hỗ trợ cho các ngành sản xuất chính – nơi công nghệ sản xuất được tự động hóa ngày càng cao.

Nhưng quan trọng hơn cả là sự tự thân vận động của người lao động không ngừng nâng cao kỹ năng nghề để có cơ hội thay đổi, tìm việc mới.