Nhiều lao động mất việc rời “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương về quê

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 30 khu công nghiệp đang hoạt động, Bình Dương được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp, nơi tập trung đông đảo lao động từ các tỉnh thành trong cả nước. Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay đã có hơn 28.000 lao động bị nghỉ việc không lương, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.

Trái ngược với những năm trước, trong những tháng cuối năm các nhà máy tăng ca liên tục, làm cả ngày chủ nhật để kịp hoàn thành đơn hàng thì từ giữa năm 2022, đặc biệt là những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đơn hàng bị cắt giảm 30-70%, thậm chí không có đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho công nhân tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.

Cuối năm, những công nhân mất việc làm đang chạy khắp các công ty tìm công việc mới nhưng đều bị từ chối. Ảnh: Lâm Thiện.
Cuối năm, những công nhân mất việc làm đang chạy khắp các công ty tìm công việc mới nhưng đều bị từ chối. Ảnh: Lâm Thiện.

Anh Nguyễn Viết Bằng, công nhân nhà máy sản xuất ngành gỗ ở Khu công nghiệp Mỹ Phước III cho biết: “đầu năm nay việc làm ổn định, mỗi tuần có 3 ngày tăng ca đều, nhưng từ 4 tháng tháng trở lại đây công việc giảm dần vì không có đơn hàng mới, chủ doanh nghiệp cho tôi nghỉ việc không lương từ đầu tháng 10”.

Đã hơn 1 tháng nay, anh Bằng và một số công nhân cùng dãy trọ thất nghiệp, ráng ở lại đi tìm việc làm tạm, chờ gần tết về quê có tiền mua sắm nhưng không công ty nào nhận.

“Tối nay tôi thu dọn đồ đạc về Hà Tĩnh và cũng chưa biết lúc nào vào lại, trừ khi nào công ty gọi. Lúc này thất nghiệp nhiều, tìm việc làm khó khăn quá, ở lại ngày nào tốn kém ngày đó, ở lâu không chừng phải mượn nợ trang trải cuộc sống, về sớm quê ngày nào hay ngày đó” – anh Bằng quyết định.

Cùng cảnh mất việc làm như anh Bằng, anh Nguyễn Bá Quyền quê ở An Giang cho biết: “hai vợ chồng tôi lên đây làm công nhân, không có đơn hàng nên công ty cho tôi cùng hàng trăm công nhân tạm nghỉ làm 2 tháng nay, vợ tôi thì ngày làm ngày nghỉ, còn hai đứa con nhỏ nữa, thu nhập giờ không đủ trang trải. Mất việc ở công ty, tôi đi làm phụ hồ được 1 tháng nhưng giờ cũng hết việc, chắc vài bữa nữa tôi cùng hai đứa nhỏ về quê, vợ qua ở chung trọ với nhỏ bạn. Tiền trọ, tiền ăn, chi phí sinh hoạt tốn kém giờ thất nghiệp tôi không kham nổi”.

Nam công nhân thất nghiệp đã hơn tháng nay. Ảnh: Lâm Thiện.
Nam công nhân thất nghiệp đã hơn tháng nay. Ảnh: Lâm Thiện.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người. Đặc biệt là trong tháng 10 vừa qua, số lượng người lao động bị nghỉ việc không lương tăng đột biến, khoảng 14.000 người. Đối với số liệu lao động bị giảm giờ làm, thống kê có khoảng 240.000 lao động. Riêng số lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9/2022, có khoảng 70.000 người. 

"Trước mắt, với những lao động nào phải nghỉ việc thì cơ quan liên quan chi trả bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ kịp thời để họ trang trải cuộc sống", ông Phạm Văn Tuyên nói.

Trước thực trạng khó khăn của những lao động bị mất việc làm đúng dịp cuối năm, theo bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương: “năm nay nhiều lao động đang gặp khó khăn nên sẽ huy động tối đa các nguồn lực xã hội, nhất là vận động chủ doanh nghiệp sử dụng lao động chung tay chăm lo chu đáo cho tất cả đoàn viên và người lao động trong dịp Tết Quý Mão 2023, đặc biệt là những lao động bị nghỉ việc không lương. Liên đoàn Lao động Bình Dương sẽ trích 40 tỷ đồng và kiến nghị UBND tỉnh trích kinh phí hỗ trợ 25 tỷ đồng để chăm lo cho người lao động”.

Trải qua 2 năm dịch Covid–19, cuộc sống công nhân lao động đã gặp nhiều khó khăn vất vả, nay tình hình dịch đã lắng xuống nhưng đa phần doanh nghiệp đơn hàng bị cắt giảm, khiến cộc sống người lao động chưa hết “lao đao”. Mất việc làm, nhiều lao động đành ngậm ngùi, thu dọn về quê nghỉ Tết sớm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần