Kinhtedothi - Hiện nay, những cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đang phải “cõng trên lưng” 4 - 5 loại giấy phép kinh doanh: Văn hóa, phòng cháy chữa cháy (PCCC), an ninh trật tự… Ngành quản lý văn hóa đặt ra đủ loại điều kiện cho loại hình dịch vụ này, song như ông Hoàng Minh Thái - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) nói: “Có nhiều điều kiện là duy ý chí”.
Hà Nội xếp đầu bảng số vụ cháy quán karaoke
Nhìn vào bảng thống kê các vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng từ năm 2010 đến nay, Hà Nội xếp đầu bảng với 7/13 vụ... Các vụ cháy xảy ra nhiều là vậy, vi phạm cũng tràn lan, nhưng theo bà Nguyễn Thùy Anh – Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Nội: “Các vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội xảy ra chủ yếu do thợ sửa chữa bất cẩn”.
So với các địa phương khác, hoạt động kinh doanh karaoke ở Hà Nội luôn tấp nập, nhu cầu phát triển mạnh nhất cả nước. Thế nhưng, qua khảo sát thực tế, có thể khẳng định đến 90% số hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện về PCCC. Hầu hết các cơ sở kinh doanh loại hình văn hóa công cộng này được sửa chữa cải tạo từ nhà riêng, hoặc từ loại hình kinh doanh khác, nên không đảm bảo yêu cầu diện tích cũng như các lối thoát hiểm, trang thiết bị dập lửa khi có cháy…
Chỉ tính xử nặng
Chưa từng thấy một báo cáo tổng kết nào của ngành văn hóa mà những mặt tồn tại lại nhiều như báo cáo tổng kết về việc thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về karaoke, vũ trường thời gian qua. Ví như quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở kinh doanh karaoke được quy định tại Nghị định 103/2009/NĐ-CP yêu cầu: Địa điểm hoạt động karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa, cơ quan hành chính Nhà nước tối thiểu 200m. Thế nhưng, tính thế nào cho “vừa” với khoảng cách này. Vì có nơi tính khoảng cách đó theo chiều dài giao thông, nhưng đôi khi thực tế lại “gần nhà lại xa ngõ”. Hơn nữa, trong Nghị định mới cũng không quy định cấp đổi với giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường hiện nay, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý cấp phép, thu phí, kiểm tra hoạt động kinh doanh…
Đặc biệt, điều mà các cán bộ văn hóa địa phương bức xúc nhất là mức phạt của Nghị định 158/2013/NĐ-CP quá nhẹ, bỏ quên mất hình thức thu giữ tang vật khi vi phạm, nên nhiều đối tượng cứ ngang nhiên vi phạm. Vì thế nên hầu hết đại diện các Sở VHTT&DL Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Phú Thọ… đều bày tỏ mong muốn tăng mức phạt thật nặng để đủ sức răn đe. Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Thái thẳng thắn nói: “Nhiều người nói rằng phải xử nặng cho “chết”, nhưng theo quan điểm của tôi là không được. Có ai muốn người khác kinh doanh tiền tỷ mà sập tiệm không? Chúng ta cần xử lý có mức độ, có tính răn đe, đưa người kinh doanh trở lại con đường đúng pháp luật”. Ông Thái cũng dẫn chứng hàng loạt ví dụ quy định của pháp luật gây khó cho DN, nhưng không ai nghĩ đến chuyện tháo gỡ. “Trên lưng người kinh doanh karaoke có 4 - 5 loại giấy phép kinh doanh: Văn hóa, PCCC, an ninh trật tự… Thế mới có chuyện người ta đầu tư tiền tỷ, đi xin đủ loại giấy phép rồi đến xin ngành văn hóa lại bảo không được. Có lẽ, phải tính chuyện ngay từ khi DN nộp giấy phép kinh doanh, mấy cơ quan quản lý phải ngồi với nhau thống nhất đồng ý hay không đồng ý cho họ” - ông Thái đề xuất.
Có thể trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến đề xuất Chính phủ thay đổi một số quy định trong các Nghị định. Nhưng theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL: Việc phát triển hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, vì vậy, các địa phương cần họp bàn và xem xét kỹ việc quy hoạch sát với nhu cầu thực tế; cùng với đó cần tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở; công tác thanh, kiểm tra đối với các hoạt động này, thay vì cán bộ quản lý chăm chăm ngồi tính phạt, thu hồi giấy phép của các cơ sở kinh doanh.
Hiện trường vụ cháy quán Karaoke Sao Xanh tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.
|