|
TS Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội |
Bệnh nhân khi được xét nghiệm và điều trị thuốc ARV sớm, sức khỏe có sự thay đổi như thế nào, thưa bà?- Điều trị ARV sớm cho người nhiễm, tức là điều trị ngay khi phát hiện nhiễm HIV, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Khi bệnh nhân HIV được điều trị thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, sau 6 hoặc 12 tháng điều trị sẽ đạt được và duy trì số lượng virus trong máu dưới 200 bản sao/ml máu thì không còn khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục kể cả khi không sử dụng bao cao su.
Sau thời gian điều trị ARV bao lâu thì bệnh nhân sẽ giảm số lượng virus trong máu đạt ngưỡng "Không phát hiện = Không lây truyền" (K = K)?- “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) là một thông điệp mới về lợi ích của điều trị bằng ARV với người nhiễm HIV. Thông điệp nhấn mạnh, một người nhiễm HIV nếu được điều trị bằng ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu thì không có nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục.
Ngay sau khi được điều trị ARV đúng phác đồ, lượng virus trong máu bắt đầu giảm dần. Khi bệnh nhân tuân thủ điều trị ở mức tốt (uống đủ thuốc, đúng thuốc, đúng giờ) thì sau 6 tháng điều trị, BN đã đạt được mức không phát hiện virus trong máu. Với các phác đồ mới hiện nay đã áp dụng, thời gian ức chế virus sẽ ngắn hơn. Bệnh nhân điều trị càng sớm, thời gian ức chế được virus càng ngắn. Tuy nhiên để chắc chắn không lây truyền cho người khác qua quan hệ tình dục, người nhiễm cần tiếp tục duy trì tuân thủ điều trị tới 12 tháng và xét nghiệm lại tải lượng virus. Nếu lượng virus vẫn dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu thì đạt K=K. Lúc này, người nhiễm không làm lây nhiễm HIV cho bạn tình kể cả quan hệ không dùng bao su.
Người điều trị ARV sẽ phải xét nghiệm tải lượng virus trong máu theo tần suất thế nào để chắc chắn an toàn, thưa bà?- Khi điều trị, trong năm đầu tiên, người nhiễm cần xét nghiệm tải lượng virus ít nhất 2 lần vào thời điểm 6 và 12 tháng sau khi điều trị. Từ năm thứ 2 trở đi xét nghiệm ít nhất 1 lần/1 năm để kiểm soát hiệu quả điều trị, khả năng đáp ứng với thuốc, xem có đạt ngưỡng K=K và sớm phát hiện thất bại điều trị. Nếu người bệnh có dấu hiệu thất bại điều trị (tải lượng virus trên ngưỡng phát hiện), thầy thuốc sẽ giúp người bệnh tìm nguyên nhân, nếu cần thiết sẽ thay đổi phác đồ điều trị.
Xin cảm ơn bà!