70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh sau kỳ nghỉ lễ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay giá thép giảm là do cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết. Bên cạnh đó, giá phôi và thép phế thế giới giảm đã kéo theo giá trong nước giảm.

KTĐT - Hiện nay giá thép giảm là do cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết. Bên cạnh đó, giá phôi và thép phế thế giới giảm đã kéo theo giá trong nước giảm.

Sau kì nghỉ , nhiều mặt hàng có xu hướng giảm giá như rau xanh các loại, thép xây dựng, đường ăn...

Giá rau xanh giảm mạnh

Chỉ tính trước ngày nghỉ lễ đến 5/5, giá rau xanh tại các chợ đều giảm một nửa. Theo các tiểu thương đầu mối nhập rau xanh tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, HN) cho biết, giá rau sẽ giảm tiếp trong một vài ngày tới rồi ổn định trở lại.

Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh sau kỳ nghỉ lễ - Ảnh 1

Đa dạng các loại rau xanh tại chợ Mai Dịch- Cầu Giấy


Ghi nhận của PV tại một số chợ Hà Nội như Hoàng Mai, Thành Công (Đống Đa), Trương Định (Hoàng Mai), Mỹ Đình, Dịch Vọng... hiện giá rau giảm mạnh hơn một nửa so với giá trước ngày nghỉ lễ. Cụ thể, tại chợ Dịch Vọng giá cải bắp còn từ 3.000đồng/kg, cải thảo 4.000- 4.500 đồng/kg; cải ngọt 4.000 đồng/kg; rau muống 1.500- 2.000 đồng/bó, rau sống 5.000 đồng/kg…; các loại củ, quả như cà chua còn 3.000- 4.000 đồng/kg, su su 2.000- 2.500 đồng/kg; bí ngô 3.000đồng/kg, khoa tây - cà rốt 10.000đồng/kg;….

Ngoài ra, tại các chợ như Hoàng Mai, Hà Đông, Cổ Nhuế, Mỹ Đình giá rau củ quả cũng đã giảm từ 40- 50%.

Lý giải cho hiện tượng rau xanh giảm giá mạnh như vậy, các tiểu thương cho hay, yếu tố thời tiết thuận lợi, đang ấm dần lên do đó nhiều loại rau, củ, quả phát triển nhanh. Hơn nữa nhiều loại rau hè đã vào vụ. Do vậy nguồn cung cấp rau xanh khá phong phú từ các huyện của Hà Nội và các tỉnh lân cận vận chuyển xuống nhiều.

Cũng theo dự báo của các tiểu thương tại chợ Hà Nội, giá rau củ thời gian tới đây còn tiếp tục giảm nữa.

Thép giảm 300.000 đồng/tấn

Hiệp hội thép Việt Nam vừa cho biết, diễn biến giá thép trong nước đang có chiều hướng đi xuống.

Giải thích cho hiện tượng này ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cho biết, hiện nay giá thép giảm là do cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết. Bên cạnh đó, giá phôi và thép phế thế giới giảm đã kéo theo giá trong nước giảm.

Cụ thể, hiện một số doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã giảm giá từ 200.000 - 300.000 đồng/tấn so với đầu năm 2011. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy giảm còn 18,5 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 18,4 triệu đồng/tấn (đã gồm VAT).

Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh sau kỳ nghỉ lễ - Ảnh 2

Giá thép trong nước giảm mạnh là do tác động của việc cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết. Bên cạnh đó, giá phôi và thép phế thế giới giảm đã kéo theo giá trong nước giảm

Ghi nhận tại một số cửa hàng thép tại Hà Nội cho thấy, giá thép bắt đầu hạ nhiệt từ ngày 4/5. Cụ thể, báo giá tại các cửa hàng trên như, thép cuộn và thép cây hiệu thép Pomina, thép liên doanh Việt Nhật rơi vào khoảng 17,5 triệu đồng/tấn giảm 200.000 - 300.000 nghìn/tấn.

Giá đường xuống thấp nhất trong 7 tháng qua

Giá đường thô rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7 tháng qua. Theo ghi nhận của PV tại siêu thị Big C, một số cửa đại lý phân phối trên phố Hàng Đường,Chợ Đồng Xuân,... giá đường tiếp tục giảm so với đầu tuần.

Cụ thể, tại chợ Đồng Xuân và Phố Hàng Đường, giá bán buôn đường trắng tinh luyện hiện dao động trên dưới 18.000 đồng/kg giảm 1.000- 1.500 đồng/kg; đường RE Biên Hoà từ 20.200 - 21.200 đồng/kg giảm 3.000 đồng/kg; Giá đường bán lẻ tại các chợ theo đó cũng giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với giá cao điểm hồi tháng 2/2011, giảm xuống còn 19.000- 21.000 đồng/kg.

Nhiều mặt hàng giảm giá mạnh sau kỳ nghỉ lễ - Ảnh 3

Người tiêu dùng lựa chọn hàng tại siêu thị Big C Thăng Long.


Theo đại diện của một nhà máy đường thì sở dĩ đường có sự biến đổi giá theo chiều hướng giảm như hiện nay bởi nhu cầu người tiêu dùng hiện nay thấp dù đã bước vào mùa hè. Mặt khác, sản lượng đường sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân. Thêm vào đó, tháng 3/2011 Bộ Công Thương đã cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường trong năm 2011, trong đó 50.000 tấn đường đã được nhập khẩu về Việt Nam. 

Một lý do nữa, hiện nay giá đường trên thị trường thế giới dự báo sẽ giảm bởi sản lượng kỷ lục của Thái Lan – quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Braxin. Điều này đã tác động không nhỏ đến giá đường trong nước.