Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều mẫu xe tiếp tục giảm giá

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã cuối tháng 8 âm lịch nhưng thị trường ô tô vẫn không khởi sắc, sức tiêu thụ sụt giảm. Để kích cầu, các hãng sản xuất xe và doanh nghiệp tiêu thụ ngoài việc tiếp tục tục giảm giá bán cũng đã kiến nghị Chính phủ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nội địa.

Đồng loạt giảm giá mọi phân khúc
Khảo sát một số đại lý kinh doanh xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, hầu hết các mẫu xe từ đắt tiền đến bình dân đều giảm giá, có những mẫu xe giảm tới 100 triệu đồng.
Đứng đầu danh sách ưu đãi “khủng” dành cho khách hàng trong tháng, phải kể đến Chevrolet với mức giảm lên đến 100 triệu đồng cho xe bán tải Colorado và SUV Trailblazer.  Nằm trong top các mẫu xe giảm giá mạnh nhất trong tháng, còn có sự xuất hiện của Nissan Terra và X-Trail với mức giảm giá trực tiếp lên tới 90 triệu đồng. Tiếp đó là các mẫu xe Mitsubishi với SUV Mitsubishi Outlander phiên bản 2.4 CVT Premium giảm giá 71 triệu đồng/xe. Tương tự các mẫu xe của Toyota Việt Nam đang ưu đãi giảm giá từ 40-60 triệu đồng cho Corolla Altis, Fortuner, Innova… một số đại lý còn tặng thêm 25 triệu đồng cho mẫu xe Toyota Fortuner máy dầu. 
Không chỉ mẫu xe đắt tiền mới được các hãng sản xuất, đại lý giảm giá mà dòng xe bình dân cũng trong tình trạng tương tự. 
Cụ thể mẫu xe Kia Cerato giảm giá tới 20 triệu đồng/xe, Kia Morning giảm 15 triệu đồng còn được các đại lý tặng thêm phụ kiện. Tương tự  các mẫu xe của Honda, Honda Brio hiện đang có mức giảm 10 triệu đồng/xe. Mẫu xe khác Nissan Navara, Sunny và Suzuki Ciaz, Swift, Toyota Wigo cũng được giảm giá từ 20- 30 triệu đồng/xe.
Người tiêu dùng mua xe ô tô

Giảm thuế cho doanh nghiệp
Mặc dù giảm giá bán nhưng sức mua xe ô tô không tăng như mong muốn. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, trong tháng 8/2021 doanh số bán hàng của toàn thị trường của VAMA đạt 8.884 xe, bao gồm 6.231 xe du lịch, 2.344 xe thương mại và 309 xe chuyên dụng. So với tháng 7/2021, doanh số xe du lịch giảm 40%, xe thương mại giảm 55% và xe chuyên dụng giảm 33%.  Xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 5.345 xe, giảm 41% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 3.539 xe, giảm 41% so với tháng trước. Để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường xe trước ảnh hưởng dịch Covid-19, VAMA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới.
Trước những kiến nghị của VAMA, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 5586/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Cụ thể, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của VAMA, đánh giá và tính toán kỹ tác động, từ đó đề xuất hướng xử lý tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước ở bối cảnh dịch Covid-19.
Ngày 9/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Trong nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch Covid-19.