Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngân hàng nội “trắng” cổ đông ngoại

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo cơ cấu sở hữu của nhiều ngân hàng Việt hiện nay, khá nhiều ngân hàng nội vẫn “trắng” cổ đông chiến lược nước ngoài.

Dù đã “bật đèn xanh”, tuy nhiên, câu chuyện tìm kiếm nhà đầu tư ngoại vẫn không dễ dàng với các ngân hàng nội, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, sau tái cơ cấu.
Cấp tập tìm đối tác ngoại

Ngay từ đầu năm 2017, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài để nâng cao tiềm lực tài chính và năng lực quản trị ngân hàng. Tháng 4/2017, tại Đại hội cổ đông, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cho biết đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài để đạt mục tiêu tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi và thu hút thêm các cổ đông chiến lược, qua đó tăng vốn điều lệ lên mức 6.010 tỷ đồng.

Hoạt động giao dịch tại chi nhánh HDBank Hà Nội.  Ảnh: Thanh Hải

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), sau khi được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc, SCB cũng đang trong quá trình thương thảo bán trên 50% cổ phần cho đối tác ngoại. “Chúng tôi mong muốn tìm kiếm một đối tác ngoại là tập đoàn tài chính để vừa giúp ngân hàng trong việc nâng cao năng lực vốn, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, vừa cùng nhau thúc đẩy chiến lược phát triển ngân hàng”- Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết.

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), sau thời gian tìm kiếm, đầu năm 2018, ngân hàng này đã chào bán thành công 21,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó, có nhiều quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài, bao gồm các định chế tài chính lớn như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh), VinaCapital…

Hiện, trên thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn có khá nhiều ngân hàng Việt “trắng” cổ đông ngoại. Có thể kể đến nhiều cái tên như LienVietPostBank, KienLongBank… Việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài sẽ giúp ngân hàng nâng cao tiềm lực tài chính và năng lực quản trị ngân hàng. Vì thế, không khó hiểu khi các ngân hàng nội đang cấp tập tìm kiếm nhà đầu tư ngoại.

Gian nan đường tìm vốn ngoại

Đến nay, nhiều ngân hàng đã “đánh tiếng” được các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản… quan tâm. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài của nhiều ngân hàng vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Chiến lược LienVietPostBank cho hay, ngoài lộ trình giao dịch UPCoM, ngân hàng cũng lên kế hoạch niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Việc niêm yết sẽ thực hiện sau khi ngân hàng hoàn tất việc phát hành cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, bà Sơn cũng thừa nhận, việc tìm được cổ đông chiến lược không thể tính trong khoảng thời gian bằng tháng mà phải lâu hơn, có thể tính bằng năm.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc các nhà đầu tư nước ngoài ngoài tham gia vào các ngân hàng Việt Nam đem lại rất nhiều lợi ích. Trước hết, dòng vốn này sẽ giúp các ngân hàng nâng vốn chủ sở hữu, tăng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, đóng góp của nhà đầu tư nứớc ngoài chỉ mang tính chất hỗ trợ, chứ không thể đưa ngân hàng đó vươn vai lớn mạnh sau một đêm. “Bản thân ngân hàng phải tự giúp mình trước bằng cách thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi cơ cấu tổ chức, nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là tổ chức bài bản hoạt động tín dụng”- ông Hiếu nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, tỷ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài không được đụng trần 30% theo quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP của Chính phủ cũng là một rào cản khiến ngân hàng Việt kém hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nhưng, đến nay, vẫn chưa nhà băng nào được bán 100% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Việc ngân hàng Việt tìm cổ đông chiến lược nước ngoài hoàn toàn không dễ. Nguyên nhân là vì ngoài một vài ngân hàng lớn, ngân hàng trong top đầu, đa số các ngân hàng Việt hiện được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá mức thấp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu