Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều ngân hàng “tốt nghiệp” Basel II

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tháng cuối năm 2019, thêm nhiều ngân hàng hồ hởi công bố được chấp thuận áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn (Basel II) trước thời hạn như LienVietPostBank, Nam A Bank… Việc áp dụng chuẩn mực quốc tế này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, minh bạch và nâng cao vị thế cạnh tranh.

Việc áp dụng Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, minh bạch hơn. Ảnh: Nha Trang
Gian nan chinh phục Basel II
Đánh giá được tầm ảnh hưởng của bộ tiêu chuẩn Basel II, Hội đồng quản trị nhiều ngân hàng đã sớm có những chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt về công tác triển khai áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II.
Là một trong những ngân hàng vừa được NHNN phê duyệt trước thời hạn về áp dụng chuẩn Basel II, đại diện LienVietPostBank cho biết, để chuẩn hóa hệ thống tính toán và quản lý tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu tại Thông tư 41, ngân hàng này đã ký kết các hợp đồng tư vấn với các đối tác uy tín trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, LienVietPostBank cũng quyết liệt xây dựng và triển khai những kế hoạch về vốn, cải thiện cơ cấu tổng tài sản, nâng cao các quy trình quy định kiểm soát nội bộ nhằm đáp ứng các quy định chặt chẽ về vốn, quản trị rủi ro và các yêu cầu về đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT hiện đại.
Basel II là một bộ các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo các ngân hàng hoạt động an toàn, bền vững, minh bạch và hiệu quả. Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, sử dụng khái niệm "3 trụ cột" gồm: Yêu cầu vốn tối thiểu, giám sát của cơ quan quản lý và công bố thông tin trong quản trị ngân hàng. Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ lượng hóa rủi ro thông qua các chỉ số và mô hình, mà còn bao gồm yêu cầu hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản trị, chính sách, nâng cao văn hóa rủi ro và tăng cường tính minh bạch của thị trường.
Tương tự tại Nam A Bank, để đạt chuẩn Basel II trước thời hạn, năm 2019, Nam A Bank đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ, đạt chuẩn chứng nhận ISO10002:2018 về hệ thống quản lý chất lượng và sự hài lòng khách hàng nâng cao chất lượng dịch vụ đem đến những trải nghiệm hoàn hảo. Trong đó, việc triển khai “tín dụng xanh” với các gói cho vay ưu đãi dành cho các lĩnh vực “xanh”, các hoạt động bảo vệ môi trường là một trong những chương trình trọng điểm và là nền tảng trong chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng. Năm 2020, Nam A Bank tiếp tục cải tiến để mang đến chuẩn chất lượng dịch vụ 5 sao, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng tính bảo mật, giảm thiểu rủi ro tín dụng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Trước đó, tháng 6/2019, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng được áp dụng quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo chuẩn Basel II. Để chinh phục được chuẩn kế toán quốc tế này, MSB đã phải không ngừng nỗ lực để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) luôn đạt ở mức trên 9% cao hơn so với quy định 8%, đảm bảo được thước đo quan trọng nhất về mức độ an toàn hoạt động của ngân hàng, mang đến sự an tâm cho khách hàng, đối tác và cổ đông; Trên nền tảng năng lực quản trị rủi ro sẵn có, MSB đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống, nguồn nhân lực, tập trung việc triển khai các dự án cải thiện chất lượng dữ liệu, bổ sung, sửa đổi gần 100 quy trình, hoàn thiện chính sách quản trị rủi ro…, đưa Basel II vào thực tiễn hoạt động kinh doanh giúp khách hàng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch hơn.
Đến nay, hàng loạt cái tên khác đã được công nhận đáp ứng chuẩn này như Vietcombank, VIB, OCB, ACB, MB, TPBank, VPBank, Techcombank…
Áp dụng Basel II - ngân hàng được gì?
Theo lãnh đạo các ngân hàng, việc được phê duyệt áp dụng Thông tư 41 theo chuẩn Basel II là cột mốc rất quan trọng cho thấy ngân hàng đã đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển ổn định, bền vững, nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường. “Một trong những yếu tố quan trọng và cốt lõi trong hoạt động của ngân hàng khi áp dụng Basel II là áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giúp ngân hàng hoạt động an toàn, quản lý hiệu quả về tỷ lệ an toàn vốn. Đây cũng là một trong những yếu tố chính để ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, từ đó có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế” - đại diện Nam A Bank cho hay.
Hay như tại MSB, trên con đường chinh phục Basel II, hoạt động quản trị rủi ro của MSB đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho khách hàng. Với mục tiêu xây dựng mô hình tín dụng và giá tốt nhất thị trường, MSB đã phát triển mô hình quản trị rủi ro dựa trên phân tích nâng cao từ cơ sở dữ liệu lớn, giúp ngân hàng đưa ra quyết định chủ động, khách hàng được phản hồi kịp thời, nhanh chóng. Từ cuối năm 2018, MSB đã triển khai thành công giai đoạn đầu việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc tìm kiếm và đánh giá khách hàng tiềm năng cho sản phẩm thẻ tín dụng. Khi đó, khách hàng có thể mở thẻ tín dụng trong vòng 24h làm việc, không cần chứng minh thu nhập và chỉ cần mở online mà không cần tới chi nhánh hay phòng giao dịch. Theo lãnh đạo MSB, thành công trong việc triển khai Basel II sẽ là tiền đề và động lực quan trọng giúp MSB tiếp tục hướng đến mục tiêu 2023 trở thành ngân hàng đáng tin cậy, đạt lợi nhuận cao tại Việt Nam.