Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/10, Quốc hội dành thời gian cả ngày làm việc để thảo luận tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đồng thời, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Khắc phục bất cập của thị trường bất động sản, nhà ở
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 13 (gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Bắc Ninh), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” của Quốc hội cho thấy nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới.
Cụ thể, chênh lệch giữa giá nhà ở và thu nhập của người dân còn quá lớn, giá nhà ở bình quân bằng 25 lần thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực đô thị. “Hiện, chúng ta không thiếu nhà ở, cung nhiều, nhu cầu cũng có nhưng khả năng thanh toán của người mua nhà là khó” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguồn cung bất động sản dồi dào, nhưng cơ cấu sản phẩm bất động sản không hợp lý. Tại thời điểm cuối năm 2023, đối với phân khúc căn hộ chung cư thị trường gần như không có dự án căn hộ giá bình dân (dưới 25 triệu/m2). Cùng với đó là các vấn đề về cấp tín dụng cho thị trường bất động sản, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội…
Về giải pháp cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần ngăn chặn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản, kết hợp với kiểm soát tốt số lượng nhà ở được xây dựng mới…
Ưu tiên chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở
Thảo luận tại tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Giá nhà chung cư, kể cả nhà ở xã hội tại một số địa bàn tăng cao đột biến do nguồn cung khan hiếm, cơ cấu sản phẩm trên thị trường mất cân đối, dẫn đến việc người người dân tiếp cận nhà ở xã hội còn khó khăn.
Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cùng với các giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) nhấn mạnh, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt trong phân khúc nhà ở bình dân. Giá nhà ở các khu vực trung tâm Hà Nội đã tăng đột biến do nguồn cung hạn chế, khiến nhiều người có nhu cầu thực gặp khó khăn trong tiếp cận nhà ở.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở và giải quyết các vấn đề pháp lý để thúc đẩy phát triển nguồn cung.
Về thể chế, đại biểu thống nhất cao với nhận định, thể chế hiện đang là “điểm nghẽn” lớn nhất trong phát triển kinh tế. Nhiều vấn đề như Luật Đất đai vẫn chưa đạt tiến độ kỳ vọng, ảnh hưởng đến việc phát triển bất động sản và nhu cầu đầu tư vào thị trường nhà ở thương mại…