70 năm giải phóng Thủ đô

Nhiều người học đại học để lấy bằng cấp!

Thủy Trúc thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Nếu mở hết cửa đại học (ĐH), hệ dưới sẽ bị ảnh hưởng. Trong tình hình này, chúng ta vẫn phải tuyên truyền để người học xác định được năng lực của mình. Nếu năng lực không thể học ở trường cao hơn mà vẫn cố học thì chất lượng sẽ không cao và bị thất nghiệp”.

TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra quan điểm trước thực tế học sinh có rất nhiều cơ hội vào ĐH. Và nhiều người muốn vào trường ĐH chỉ cốt lấy cái bằng.

Thưa ông, thời gian qua, số lao động có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp ngày càng gia tăng và nhiều người có xu hướng học nghề. Ông có đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Lao động trình độ cử nhân thất nghiệp gia tăng là do đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của DN và thị trường lao động, cũng như chưa xác định chuẩn những ngành nghề cần học. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến suy nghĩ của người học cũng như xã hội. Thứ nhất, công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của dạy nghề cũng như giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đối với người học để có được việc làm và thu nhập ổn định. Thứ hai, tác động các cơ chế chính sách của Nhà nước như học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề được miễn giảm học phí. Chính sách hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, phụ nữ, lao động nông thôn, dân tộc, kể cả việc cấp học bổng cho học sinh, sinh viên tạo điều kiện để phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề.
TS Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề
Tuy nhiên, để tháo gỡ việc này một cách căn bản, Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn trong tuyển sinh đối với từng trình độ đào tạo. Chẳng hạn, trình độ ĐH, trong những năm tới cần bao nhiêu nhân lực, chứ bây giờ chúng ta không nắm được để định hướng người học theo nhu cầu. Vì thế có thực tế nhiều người học ĐH để có bằng cấp chứ chưa học để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Ngoài việc các trường ĐH hút hết nguồn tuyển sinh còn có một lý do khiến các trường TC, CĐ tuyển sinh khó khăn là chưa thực hiện liên thông lên trình độ cao hơn. Ông có ý kiến gì về việc này?

Trong biên bản bàn giao các trường TC và CĐ, giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ GD&ĐT đã xác định liên thông giữa các trình độ. Chính phủ cũng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, Bộ LĐTB&XH tham gia để cùng biên soạn thông tư quy định về liên thong TC, CĐ lên ĐH. Theo chỉ đạo của Chính phủ trong quý 2/2017 hai Bộ phải ra được thông tư liên thông. Tôi tin, khi quy chế này được phê duyệt sẽ đảm bảo yêu cầu và thuận lợi hơn cho hai hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới.

Trước tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng gia tăng, chúng ta có nên áp dụng hạn ngạch đào tạo ĐH để điều chỉnh việc phân luồng và đào tạo?

Quan điểm của tôi, đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Ở đây, vai trò của Nhà nước là xác định nhu cầu của thị trường lao động, ngành nghề cần nhiều nhân lực trong thời gian tới. Khi đó, tự người học sẽ định hướng vào những lĩnh vực này. Nhưng trong thời kỳ quá độ này, quan niệm của người học vẫn chạy theo bằng cấp, chứng chỉ do đó phải có tác động chính sách của Nhà nước để người ta thấy học như vậy không hiệu quả, mất nhiều thời gian, công sức nhưng ra trường không tìm được việc làm. Nhà nước nên có chính sách để thu hút người ta vào GDNN như chính sách miễn giảm học phí, học bổng đối với những ngành nặng nhọc độc hại khó tuyển sinh hay nghề trọng điểm của quốc gia phải có nguồn nhân lực để đáp ứng.

Thưa ông, kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm nay là 2,2 triệu người, liệu có đạt được?

Theo dự báo thì số chỉ tiêu tuyển sinh là 2,4 triệu người. Nhưng, chúng tôi căn cứ vào thực tiễn năng lực đào tạo của các trường nên xác định tổng chỉ tiêu 2,2 triệu người, trong đó trung cấp và cao đẳng khoảng 540.000 người. Còn mục tiêu sơ cấp, dưới 3 tháng đã thực hiện nhiều năm nay, nên tôi tin có khả năng đạt được.

Xin cảm ơn ông!