Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều người lao động Hà Nội đề xuất tăng ngày nghỉ lễ, giảm giờ làm việc

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chiều 8/10, tại hội nghị Đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của cán bộ công đoàn và công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô tham gia vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do LĐLĐ TP tổ chức, đa số người lao động (NLĐ) Thủ đô đề nghị giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ trong một tuần và mong muốn được tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm.

Đề nghị giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ trong một tuần
Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 105, đa số cán bộ công đoàn và CNLĐ Thủ đô mong muốn, đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường của NLĐ từ 48 giờ trong một tuần xuống 44 giờ trong một tuần, đưa vào Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) xin ý kiến Quốc hội.
 Toàn cảnh hội nghị. 
Thông tin được tổ chức Công đoàn đưa ra tại hội nghị cho thấy, theo khảo sát của ILO đối với 154 nước, Việt Nam là nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường cao nhất thế giới (48giờ/tuần) cùng với 40 nước khác. Mặt khác ngay từ năm 1935, Đại hội đồng ILO đã thông qua Công ước 47 về Tuần làm việc 40 giờ, đây cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới. Bộ luật Lao động 2012 (Điều 104) cũng đã khuyến khích DN thực hiện Tuần làm việc 40 giờ. Trong khi đó, khối cán bộ công chức, viên chức đã thực hiện Tuần làm việc 40 giờ từ năm 1999. Vì thế, việc CNLĐ vẫn phải làm việc 48 giờ/tuần cần phải được xem xét.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Vân Hương – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội cho biết: Công ty đã và đang thực hiện số giờ làm việc là 44 giờ. Trong thời gian tới, Công đoàn Công ty sẽ tiếp tục đề xuất người sử dụng lao động ở khối gián tiếp giảm xuống còn 40 giờ, như vậy sẽ giảm giờ lao động cho hơn 400 người lao động thuộc lĩnh vực nước sạch của TP.
Tán thành với đề nghị trên, bà Phạm Thị Bích Hải – Chủ tịch Công đoàn TNHH Toto Việt Nam cho biết Công ty đã thực hiện giờ làm việc cho NLĐ là 41,7 giờ/tuần. Bà Hải cho rằng sự thay đổi này sẽ là động lực cho người sử dụng lao động đưa ra cải tiến về thiết bị công nghệ, vừa giúp tăng năng suất, vừa giảm thời gian lao động cho NLĐ.
Dẫn chứng cụ thể tại Công ty Meiko, ông Phan Thanh Hải – Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết từ khi Công ty thay đổi giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, NLĐ hết sức phấn khởi, từ đó năng suất lao động tốt lên, chi phí sản xuất giảm đem lại lợi nhuận cho Công ty. Từ một DN ở Thạch Thất giờ đây Công ty đã có mặt ở KCN Thăng Long, sắp tới sẽ phát triển ở KCN Quang Minh.
Đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ trong năm
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Lê Đình Hùng, với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất 3 ngày nghỉ là cần thiết. Ngoài ra, với 10 ngày nghỉ, hiện số ngày nghỉ Lễ, Tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các nước trong khu vực: Trung Quốc 21 ngày; Campuchia 28 ngày; Thái Lan 16 ngày… Đề xuất này được đa số đại biểu tại hội nghị ủng hộ, nhất trí cao. Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp cho NLĐ có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo cho gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
 Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng phát biểu tại hội nghị. 
Trên cơ sở đó, LĐLĐ TP đề xuất 2 phương án tăng ngày nghỉ. Phương án 1: Nghỉ Quốc khánh 4 ngày từ 2-5/9 hàng năm, tăng thêm 3 ngày so với quy định hiện hành. Đồng tình với phương án này, Chủ tịch công đoàn các KCN-CX Hà Nội Đinh Quốc Toản phân tích nếu thực hiện phương án này sẽ giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng.
Về phương án 2, nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và 2 ngày thêm vào ngày nghỉ Tết dương lịch. Đề xuất thêm một phương án nữa để đoàn đại biểu Quốc hội xem xét, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng cho rằng nên nghỉ 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và thêm 2 ngày nghỉ vào dịp Tết Nguyên đán. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ là hết sức cần thiết, song cần tiếp tục tính toán nghỉ vào thời điểm nào vừa hợp lý, hài hòa lợi ích giữa NLĐ và DN.
Tại hội nghị, cán bộ công đoàn, NLĐ còn tham gia góp ý vào tuổi nghỉ hưu (Điều 169), tiền lương (Điều 91), thương lượng và thỏa ước lao động (Điều 68;76), về lao động nữ và bình đẳng giới (Điều 136, 177)…