Điển hình như việc sử dụng lượng thức ăn lớn tích trữ từ trước Tết; bảo quản chung thức ăn sống - chín trong tủ lạnh; thậm chí tại nhiều vùng quê, người dân có thói quen sử dụng gia súc, gia cầm đã chết để chế biến thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, để phòng chống ngộ độc thực phẩm, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần.
Riêng với bánh chưng, TS Lâm Quốc Hùng- Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) khuyến cáo, người dân không nên vì tiếc của mà cố ăn những chiếc bánh đã bị mốc, kể cả khi loại bỏ những phần mốc của bánh, nhưng phần còn lại của bánh chưng cũng không an toàn với người sử dụng.
Ngoài ra, theo TS Hùng, khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, người dân nên đựng thực phẩm trong các dụng cụ chứa đựng riêng biệt có nắp đậy hoặc túi nilon sạch. Thực phẩm để trên ngăn đá hoặc tủ đông khi muốn rã đông để chế biến nếu có thời gian nên để xuống ngăn mát sau đó để ra ngoài nhiệt độ thường. Nếu muốn chế biến ngay thì có thể sử dụng chế độ rã đông của lò vi sóng. Người dân cũng không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe.
Theo thống kê của Bộ Y tế trong 9 ngày Tết Nguyên đán Bính Thân (tính từ ngày 6/2 đến 14/2), cả nước ghi nhận gần 1.500 lượt người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa; trong đó, có 2 ca tử vong, hơn 2.200 người nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu.
Vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người mắc nhất xảy ra tại hộ gia đình ở thôn Tấu Trên, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái do ăn thịt trâu chết, khiến 34 người mắc, 9 người phải nhập viện cấp cứu, rất may không có trường hợp tử vong.
Cũng theo Bộ Y tế, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán này công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và bảo đảm VSATTP được toàn ngành y tế, các địa phương và cơ quan chức năng quán triệt tình hình và triển khai nghiêm túc.
Nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm sau Tết.
|