Tạo đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội”, quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp đã phát huy hiệu quả và được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Đa số kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của Nhân dân đã được cấp ủy, chính quyền tiếp thu và xử lý từ cơ sở, hạn chế được bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức đối với việc phát huy dân chủ, tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân được nâng lên. Đồng thời, nhận thức của người dân về quyền làm chủ cũng sâu sắc và toàn diện hơn.
Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, cấp TP đã tổ chức được 19 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa đồng chí Bí Thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch UBND TP với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị và hầu hết các ý kiến đều được tiếp thu, giải quyết. Năm 2020, TP tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của hơn 1.800 nhà đầu tư, DN trong nước và nước ngoài.
Bên cạnh đó, thông qua đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến Nhân dân, TP đã có chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội tăng 3 bậc so với năm 2017 (năm 2021 đứng thứ 10/63 tỉnh, TP). Đến nay, toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới; 100% số xã đạt chuẩn NTM. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm (tăng 15 triệu so với năm 2017)… Diện mạo Thủ đô thay đổi rõ rệt và đời sống Nhân dân không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU đã góp phần tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của địa phương. Tạo đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP. Nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, điển hình trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.
Việc đối thoại ngày càng bài bản
Các tham luận phát biểu tại hội nghị toạ đàm đều khẳng định, công tác tổ chức tiếp xúc, đối thoại ngày càng bài bản và phát huy được dân chủ trong bàn bạc, lựa chọn nội dung đối thoại thiết thực, thời điểm, địa bàn phù hợp, đối tượng tham gia đối thoại là những người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan đến vấn đề đối thoại. Đáng chú ý, trong những năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các địa phương đã duy trì tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại bằng hình thức trực tuyến đến từng cơ sở đảm bảo về nội dung đối thoại như tại hội nghị trực tiếp, được người dân đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia.
Công tác điều hành hội nghị tiếp xúc, đối thoại ở nhiều địa phương đã đảm bảo dân chủ, cởi mở, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đóng góp các ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Sau hội nghị, kịp thời chỉ đạo ban hành thông báo kết luận phân công các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của đại biểu dự hội nghị đối thoại.
Trong quá trình tổ chức đối thoại, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo. Nhờ đó, nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp được thực hiện hiệu quả thông qua đối thoại với Nhân dân. Việc tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân tại các buổi đối thoại giúp phát huy dân chủ, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân Thủ đô.
Đặc biệt, đã giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đào tạo, rèn luyện cán bộ lãnh đạo, quản lý toàn diện về kiến thức, kỹ năng, tác phong, bản lĩnh. Đồng thời, kết quả thực hiện đối thoại là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ, đánh giá sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp.
Phát biểu kết luận hội nghị toạ đàm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ Trịnh Huy Thành trân trọng cảm ơn, đánh giá cao các ý kiến tham luận của 8 đại biểu, đại diện Thường trực và Ban Dân vận các quận, huyện, thị uỷ. Qua các ý kiến đều khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và việc thực hiện Quyết định 2.200 đã góp phần giải quyết nhiều việc khó khăn, phức tạp. Đồng thời cơ bản thống nhất với dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 2.200, những kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế và bài học kinh nghiệm…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành uỷ cũng giao các đơn vị liên quan của Ban Dân vận Thành uỷ tổng hợp, tiếp thu ý kiến tham luận của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo báo cáo, phục vụ hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 2.200 của Thành uỷ.