Nhiều nỗi lo nhập siêu tăng từ thị trường Trung Quốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất/nhập khẩu là điểm sáng của cả nước, nhưng nhập khẩu, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao và là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Nếu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tới 29,6% của cả nước. Tháng 1/2015, diễn biến trên vẫn tiếp tục ở mức cao hơn (tương ứng chiếm 9,8% và chiếm 32,5%).

Tốc độ tăng so với năm trước, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng thấp hơn so với tốc độ tăng chung (tăng 12,6% so với tăng 13,7%). Trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc năm 2014 tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung (tăng 18,8% so với tăng 12,1%). Năm 2014 so với năm 2005, nếu xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cao gấp 4,6 lần (tăng 18,5%/năm), thì nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cao gấp 7,4 lần (hay tăng 25%/năm).
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trần Việt
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Trần Việt
Do nhập khẩu tăng cao hơn so với xuất khẩu, nên Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tăng tới 22,2% so với năm trước (trong khi tổng số của cả nước lại xuất siêu 2.138 triệu USD). Năm 2015 mới qua một tháng, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc 3.167 triệu USD. Đó là tín hiệu để cả năm sẽ vượt qua mốc 38 tỷ USD.

Đi vào các mặt hàng cụ thể, có thể thấy rõ hơn quan hệ xuất/nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc.

Trong các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, có 37 mặt hàng có kim ngạch đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD và chiếm tỷ trọng cao trong tổng số xuất khẩu mặt hàng đó của Việt Nam (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện  chiếm 19,2% tổng số; xơ, sợi dệt chiếm 17,1%; dầu thô chiếm 17,1%; sắn và sản phẩm sắn chiếm 84,9%; gạo chiếm 30,2%; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 14%; cao su chiếm 43%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 8%; phương tiện tận tải và phụ tùng chiếm 10,1%; giày dép chiếm 4,9%).

Một số mặt hàng khác, tuy chưa vượt 500 triệu USD, nhưng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số của Việt Nam, như rau quả, than…

Trong các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc, có 42 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 16 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD và chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch nhập khẩu về mặt hàng đó trong cả nước (máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 35,2%; Điện thoại các loại và linh kiện chiếm 74,6%; xăng dầu  chiếm 20,5%; máy ảnh, máy chiếu phim và linh kiện chiếm 46,4%; sản phẩm hóa chất chiếm 19,9%; phân bón chiếm 51,6%; ô tô nguyên chiếc chiếm 35,5%...

Trong các mặt hàng trên, đáng lưu ý có máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng nhập từ Trung Quốc tuy giá rẻ, nhờ đi theo các dự án đầu tư trực tiếp của Trung Quốc hoặc đi theo các công trình mà Trung Quốc thắng thầu ở Việt Nam, nhưng lại không phải là kỹ thuật - công nghệ nguồn. Đây là sự cảnh báo cần thiết không chỉ là sự phụ thuộc, mà còn tác động xấu đến hiệu quả và sức cạnh tranh lâu dài của Việt Nam.

Ngoài các mặt hàng trên, còn có những mặt hàng tuy kim ngạch không lớn, nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nhập khẩu của Việt Nam như: rau quả, khí đốt, nguyên phụ liệu dược phẩm, thuốc trừ sâu, sản phẩm từ cao su, thủy tinh, phương tiện vận tải và phụ tùng…

Bên cạnh xuất/nhập khẩu chính ngạch, xuất/nhập khẩu tiểu ngạch của Việt Nam với Trung Quốc cũng rất lớn, con số này có thể lên đến hàng tỷ USD/năm. Khâu thanh toán buôn bán hàng hóa tiểu ngạch ở biên giới, thường sử dụng song song đồng tiền của 2 nước. Gần đây, Trung Quốc còn đề xuất thay việc thanh toán bằng USD bằng Nhân dân tệ. Nếu điều này xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến sự độc lập về tiền tệ, trong khi Việt Nam đang chống vàng hóa, đô la hóa. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần