Nhiều nút thắt trong quản lý taxi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, sự phát triển ồ ạt của xe taxi đang tạo nên áp lực rất lớn cho hạ tầng, trật tự, ATGT của Hà Nội.

Trong khi Thủ đô đang phải kiềm chế sự gia tăng số lượng của loại hình vận tải này thì Bộ GTVT lại tạo điều kiện cho loại hình taxi kiểu mới (Grab, Uber…) hoạt động, chồng chất thêm gánh nặng quản lý cho Hà Nội.

Quả bóng phình to quá cỡ

Căn cứ trên Đề án taxi được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì năm 2015 số lượng xe taxi được cấp phép hoạt động tại Thủ đô là 20.000 xe, năm 2020 sẽ là 25.000 xe. Tuy nhiên, theo thông tin do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 19.141 phương tiện của 77 DN được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu “Taxi Hà Nội”.
Taxi đón khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Quỳnh Anh
Taxi đón khách tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Quỳnh Anh
Trong khi đó, thời gian qua lại xuất hiện thêm một loại hình taxi khác, núp dưới danh nghĩa “xe hợp đồng”, sử dụng các ứng dụng trên thiết bị thông minh để vận hành, mà nổi bật là hai thương hiệu: Uber, Grab taxi. Loại hình taxi mới này đã làm gia tăng đột ngột số lượng xe dưới 9 chỗ ngồi đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo hình thức “xe hợp đồng”.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh nhận định: “Hầu hết các phương tiện này tuy mang danh nghĩa là “xe hợp đồng” nhưng thực chất lại hoạt động như “taxi thông thường”. Số liệu thống kê từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 6, đã có 4.012 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi đăng ký cấp phù hiệu “xe hợp đồng”. Ngoài ra, thống kê sơ bộ cho thấy, có 7.598 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi chuyển đi xin cấp phù hiệu ở các địa phương khác. Nhưng khoảng 3.000 xe lại được đưa về hoạt động thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Cái khó là các phương tiện này đang được Bộ GTVT cho phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng. Tình trạng này đã khiến lượng taxi (được cấp phép) thực tế của Hà Nội đến giữa năm 2016 đã đạt trên 26.000 xe, vượt quá con số 25.000 xe theo quy hoạch đến năm 2020. Đó là còn chưa kể đến lượng taxi hoạt động chui, taxi ngoại tỉnh trong quá trình vãng lai cũng tranh thủ đưa đón khách tại Hà Nội. Nhìn toàn cảnh có thể thấy, lượng xe taxi của Hà Nội đang vượt quá khung quy hoạch, tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông, đặt ra bài toán quản lý vô cùng khó khăn cho TP và đặc biệt là Sở GTVT Hà Nội.

Phân bố không đều
Việc khống chế số lượng taxi truyền thống chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự sinh sôi của “xe hợp đồng” dưới 9 chỗ hoạt động như taxi. Nếu cứ khống chế riêng taxi truyền thống mà buông lỏng “xe hợp đồng” thì sớm muộn cũng sẽ phá vỡ đề án quy hoạch taxi của Hà Nội.

TS Đặng Minh Tân giảng viên Đại học GTVT

Các DN taxi truyền thống nên ngồi lại với nhau, dưới sự chủ trì của Sở GTVT Hà Nội, thỏa thuận phân chia khu vực hoạt động để cân đối nhu cầu cũng như khả năng đáp ứng hành khách sao cho đồng đều, hợp lý. Đó mới là biện pháp lâu dài và tích cực.

Ông Phạm Tuấn Sơn nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Tây (cũ)

Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, lượng taxi hiện nay phân bố rất không đồng đều, 85% xe taxi truyền thống đang tập trung hoạt động tại các quận nội thành. Còn các huyện xa trung tâm như: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức… thì thưa thớt, thậm chí có địa bàn không có taxi. Thực tế này đang làm phát sinh 2 vấn đề cần giải pháp kịp thời, hữu hiệu. Một là, lượng taxi tập trung quá đông trong nội thành đang góp phần đáng kể tạo nên áp lực cho hạ tầng đường sá, ảnh hưởng đến trật tự, ATGT khu vực nội đô. Hai là, các DN kinh doanh taxi cho rằng, 15% lượng xe còn lại không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân ngoại thành. do đó, nhiều hãng đồng loạt xin được tăng xe với lý do: “Phục vụ nhu cầu của người dân ngoại thành”.

Theo đại diện hãng taxi Bắc Á, địa bàn Hà Nội ngày càng mở rộng, các khu đô thị, khu công nghiệp, khu liên hợp thể thao… đang tập trung phát triển, đặc biệt là về phía Tây TP. Địa bàn hoạt động chính của taxi Bắc Á tập trung chủ yếu tại khu vực giáp ngoại thành Hà Nội như; Cầu Diễn, Mỹ Đình, Xuân Phương, Minh Khai, Tây Tựu, Trôi, Phùng, khu công nghiệp Thạch Thất và khu công nghiệp huyện Đông Anh... Tuy nhiên, chỉ với 82 xe được phép hoạt động nên Bắc Á chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu vận tải bằng taxi đang ngày càng gia tăng nhanh chóng của người dân khu vực này. Cùng với Bắc Á, đại diện các hãng taxi: Sông Nhuệ, Quê Lụa… còn cho rằng, trong khi Hà Nội không tăng thêm lượng xe mới từ nhiều năm nay thì không ít hãng đã “lách luật” bằng cách xin cấp phép phù hiệu taxi tại ngoại tỉnh rồi đưa xe về Hà Nội hoạt động. Ngoài lý do bắt nguồn từ sự phân bố không đồng đều bản đồ taxi của Thủ đô, còn có một nguyên nhân khác. Đó là sự xuất hiện của Uber, Grab taxi… đang đe dọa nghiêm trọng thị phần của taxi truyền thống. “Trong tình thế phải đáp ứng hàng loạt các điều kiện bắt buộc, chi phí lớn hơn và quan trọng nhất là bị giới hạn về số lượng phương tiện, taxi truyền thống sẽ không thể cạnh tranh nổi với loại hình taxi mới núp bóng “xe hợp đồng” vừa được Bộ GTVT bước đầu hợp thức hóa” - đại diện một hãng taxi (xin giấu tên) khẳng định.

Gian nan tìm giải pháp

Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị UBND TP tạm thời không phát triển thêm số lượng xe taxi tại các quận trung tâm TP và các huyện giáp ranh khu vực trung tâm. Song, để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân tại các huyện xa trung tâm, Sở cũng kiến nghị TP xem xét cho phép tiếp tục phát triển số lượng xe taxi tại những khu vực này. Việc này đang làm phát sinh những lo ngại về việc các hãng sẽ tìm cách đưa xe về trung tâm hoạt động, tiếp tục gây sức ép lên hạ tầng. Đại diện Sở GTVT cho biết, sẽ căn cứ vào phương án kinh doanh, phương tiện hoạt động của DN, qua hệ thống giám sát hành trình để theo dõi, kiểm soát hoạt động và xử lý vi phạm, đảm bảo các xe tăng thêm phải hoạt động đúng phạm vi đăng ký, không tập trung kinh doanh tại các địa bàn trung tâm TP. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đánh giá: “Biện pháp này nếu làm được chặt chẽ đương nhiên sẽ rất có hiệu quả. Tuy nhiên, bước vào thực tế sẽ có rất nhiều vấn đề nảy sinh, gây khó cho cơ quan quản lý”.

Giới chuyên gia cho rằng, “nói gì thì nói, việc kiểm soát, quản lý taxi truyền thống vẫn là dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều so với taxi mới như: Grab, Uber”. Sở GTVT Hà Nội cũng đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, quy định rõ số lượng xe ô tô dưới 9 chỗ được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” tham gia vận chuyển hành khách đăng ký thí điểm ứng dụng phần mềm trên thiết bị thông minh phục vụ đưa đón khách tại Hà Nội. Bởi, sự tiến bộ của phương thức cũng như con dao 2 lưỡi. Một mặt có thể vận dụng khoa học kỹ thuật, phát triển loại hình taxi lên tầm cao mới. Nhưng mặt khác nó cũng khiến lượng taxi “trá hình” tăng đột biến, thậm chí đặt hẳn loại hình này ra ngoài tầm quản lý của cơ quan chủ quản địa phương. Chỉ cần nhìn vào lượng “xe hợp đồng” dưới 9 chỗ lên đến trên 7.000 chiếc đang hoạt động tại Hà Nội trong nửa đầu năm 2016 là có thể thấy lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Vấn đề ở đây không còn là cấm hay không cấm taxi kiểu mới nữa, mà là làm sao để quản lý chặt chẽ, cân đối lượng taxi (cả truyền thống lẫn kiểu mới) cho phù hợp với thực trạng hạ tầng giao thông và nhu cầu của người dân Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần