Đối với TP Hà Nội, công suất đỉnh dự kiến trong mùa hè lên tới 2.595MW, cao hơn năm 2013 gần 250MW. Để bảo đảm cấp điện an toàn, một loạt giải pháp đã được EVN đề ra.
Tăng khả năng truyền tải
Những con số về vận hành nguồn điện, phụ tải, sự cố… từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thời gian qua cho thấy, ngành điện đang chịu một áp lực khá lớn trong việc cấp điện. Các nguồn thủy điện liên tục tăng sản lượng phát điện từ 155 - 181 triệu kWh/ngày, các nguồn khác như nhiệt điện than, tuabin khí cũng phát hơn 100 triệu kWh, thậm chí xấp xỉ 150 triệu kWh/ngày để đáp ứng nhu cầu phụ tải đang tăng rất cao. Tuy nhiên, với việc đưa vào vận hành công trình trọng điểm đường dây truyền tải điện cao áp 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông có chiều dài hơn 437km đúng tiến độ đã đem lại hiệu quả trong bảo đảm truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam. Và cùng với đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, đường dây 500kV mạch Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông còn góp phần tạo liên kết trong vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng, miền trên cả nước. Cùng với đó, EVN cũng đã chỉ đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) và các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy nhanh một số dự án truyền tải góp phần nâng cao độ tin cậy và năng lực cung cấp điện của hệ thống…
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 17/CT-BCT nhằm bảo đảm đủ nguồn điện cho các tháng cao điểm mùa khô 2014. Theo đó, Bộ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, tập đoàn liên quan nhằm bảo đảm phục vụ tốt nhất cho các hộ sử dụng điện với mục tiêu không để thiếu điện trong mùa khô.
Hà Nội tăng đầu tư lưới điện
Trên địa bàn Hà Nội, trong những ngày cao điểm của đợt nắng nóng vừa qua, sản lượng điện có thời điểm đạt tới con số hơn 43.000MWh. Để bảo đảm cấp điện an toàn cho Thủ đô, ông Nguyễn Danh Duyên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, ngay từ năm 2013, EVN HANOI đã đầu tư 1.964,7 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, cải tạo lưới điện. Đến nay, EVN HANOI đã hoàn thành thi công 17 công trình 110kV, 223 công trình nâng cấp cải tạo lưới điện trung - hạ thế, đưa vào vận hành 329km đường dây trung thế, 69,9km cáp ngầm trung thế; 981 máy biến áp với tổng dung lượng 459,6MVA và 313km đường trục hạ thế. EVN HANOI cũng chủ động tăng cường kiểm tra tình hình vận hành của đường dây, thiết bị vào giờ cao điểm, thường xuyên theo dõi tải các máy biến áp phân phối, có biện pháp san tải để tránh quá tải cục bộ... Năm 2014, EVN HANOI có kế hoạch đầu tư 2.638 tỷ đồng để thi công xây dựng 40 dự án 220kV và 110kV, 204 dự án trung - hạ thế. Ngoài ra, giải pháp tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện cũng đã được EVN HANOI triển khai mạnh đến từng hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp, trường học…
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình lưới điện, EVN HANOI đã gặp không ít khó khăn như: Việc thực hiện Quy hoạch chung của Thủ đô không đồng bộ với việc thực hiện Quy hoạch về điện; Thiếu quỹ đất cho việc mở rộng, nâng công suất các trạm hiện tại cũng như xây dựng đường dây và trạm mới; Một số dự án chưa có trong Quy hoạch chung và Quy hoạch điện... Trước những vướng mắc này, cùng với các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo TP cho từng công trình, dự án cụ thể, trong buổi làm việc với EVN HANOI mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo, cùng với việc thực hiện quy hoạch điện, khi thực hiện quy hoạch trạm biến áp và hướng tuyến, ngành điện cần rà soát cụ thể, đồng bộ. Về lâu dài, Viện Quy hoạch và Sở QH - KT cần tạo điều kiện cho EVN HANOI thống nhất những quy hoạch điện lực sẽ được cập nhật vào quy hoạch phân khu của TP. Đối với các công trình hạ tầng, cần tính toán khả thi, có thể vận dụng tình thế trước mắt như cho đi nổi để đảm bảo cung ứng điện kịp thời và ổn định.
Đóng điện tại Trạm biến áp 110kV Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức. Anh: Ngọc Hà
|
Nâng công suất Trạm 110kV Nghĩa Đô Sau 72 giờ đóng điện vận hành không tải, máy biến áp T3 có công suất 63MVA tại Trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) vừa chính thức đi vào vận hành. Công trình có tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng, sau khi đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định và đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải khu vực quận Cầu Giấy hiện tại và các vùng lân cận, đặc biệt trong dịp nắng nóng năm nay. |