Nhiều phương án dự phòng để bảo đảm nguồn điện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ tháng 4 - 6 (thời gian cao điểm về tiêu thụ điện trong năm), sản lượng điện trên toàn hệ thống đạt khoảng 34,35 tỷ kWh, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2012.

Dự kiến, trong năm 2013, EVN phải huy động 1,57 tỷ kWh điện chạy dầu FO và DO, trong đó mùa khô là 1,113 tỷ kWh với chi phí giá thành cao gấp nhiều lần so với nhiệt điện than, khí.

Nhiều phương án dự phòng để bảo đảm nguồn điện - Ảnh 1

Công nhân chi nhánh điện Đống Đa sửa chữa thiết bị điện.Ảnh: Thanh Hải


Thủy điện đối diện với hạn hán

Nguồn thủy điện hiện chiếm gần 30% trong cơ cấu nguồn phát và là nguồn điện giá rẻ. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết khô hạn và thiếu nước (đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên) nguồn phát thủy điện đang rất căng thẳng. Hiện hầu hết các hồ thủy điện ở khu vực này phải chờ lũ tiểu mãn về trong tháng 6. Song, nếu lặp lại tình trạng không có lũ như năm 2012, chắc chắn nguồn thủy điện sẽ khó hoàn thành kế hoạch phát điện. EVN đã đưa ra dự báo với việc thiếu hụt nguồn nước khoảng 5,297 tỷ m3 sẽ khiến sản xuất điện thiếu hụt khoảng 1,43 tỷ kWh, tình hình cung ứng điện cả nước sẽ hết sức căng thẳng, đặc biệt trong những tháng nắng nóng cao điểm. Trong khi đó, năng lực truyền tải điện qua các đường dây 500kV, 220kV lại bị giới hạn bởi khu vực phía Nam không có nguồn phát điện mới nào trong năm nay.

 Dự kiến, Dự án Vĩnh Tân 2 sớm nhất cũng phải đến năm 2014 mới phát điện, còn những dự án khác như Duyên Hải 1 và 3, Ô Môn… có khả năng đến năm 2015 mới đưa vào vận hành. Điều này đồng nghĩa với việc cấp điện ở các tỉnh phía Nam sẽ khó tự cân đối công suất nội miền và luôn phải nhận công suất từ miền Bắc và miền Trung qua hệ thống truyền tải điện 500 - 220kV liên kết miền Trung - Nam. Hiện tại, tổng nguồn điện của miền Nam đạt gần 56 tỷ kWh, riêng mùa khô là hơn 29 tỷ kWh. Trong khi đó, nhu cầu ở khu vực này ước cả năm lên đến khoảng 65 tỷ kWh, mùa khô gần 32 tỷ kWh. Như vậy, miền Nam bị thiếu hụt khoảng 9 tỷ kWh, mùa khô thiếu gần 3 tỷ kWh so với nhu cầu.

Ông Đặng Huy Cường, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, để đề phòng thiếu điện, Cục đã lên các phương án dự phòng, trong đó sẽ vận hành tối đa liên tục các nhà máy nhiệt điện tua bin khí từ nay đến hết tháng 6 (tương ứng hơn 4 tỷ kWh/tháng), kèm theo đó là khoảng hơn 3 tỷ kWh nhiệt điện than/tháng. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể phát thêm các nguồn điện giá cao như nhiệt điện dầu DO hay nhiệt điện dầu FO và mua điện từ nước ngoài. 

Hà Nội tập trung nâng cấp lưới điện

Trước dự báo thiếu điện, đồng thời tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội diễn ra tình trạng cắt điện với thời gian dài, ngắn khác nhau, ngày 2/5, đại diện EVN Hà Nội cho biết, hiện Tổng công ty chưa nhận được kế hoạch tiết giảm điện (thực hiện cắt điện luân phiên) trên địa bàn TP.

 Việc cắt điện một số nơi trong thời gian qua vẫn đảm bảo theo lịch sửa chữa hoặc khắc phục sự cố. Tuy nhiên, thực hiện kế hoạch chống quá tải mùa hè, từ đầu năm, EVN Hà Nội tiếp tục tiến hành đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện toàn TP nên các sự cố do quá tải về điện đã được hạn chế rất nhiều. 

EVN Hà Nội đã tiến hành rà soát, kiểm tra lại phương thức vận hành các đường dây 110kV và có phương án đảm bảo vận hành các đường dây dưới 75% tải định mức, giảm tải một số lộ đường dây nhằm tạo hệ số an toàn trong việc vận hành lưới điện của TP, đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp một số trạm biến áp, lưới điện… 

EVN Hà Nội cũng đã đề xuất giải pháp khẩn cấp thực hiện nâng công suất tạm tại các trạm biến áp 110kV Xa La, 110kV Trôi và trạm 110kV Vân Đình. Việc nâng cấp này không chỉ cấp điện bảo đảm an toàn cho các trạm biến áp  đang trong tình trạng vận hành quá tải mà còn đón trước nhu cầu phụ tải tăng cao trong quá trình đô thị hóa…

Tuy nhiên, về lâu dài các biện pháp tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện vẫn được ngành điện coi trọng. Năm 2012, thông qua các hình thức khác nhau, EVN Hà Nội đã tiết kiệm được 209 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 7,08%, điều này góp phần không nhỏ đến việc bảo đảm cấp điện cho TP.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần