Theo Trưởng Phòng Kế hoạch-Tài chính Sở GD&ĐT Nguyễn Viết Cẩn, tại TP hiện có 2.713 trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp với 66.376 phòng học, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 học sinh, với bình quân 34 học sinh/lớp. Thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND TP và Quyết định 3075 của UBND TP về quy hoạch (QH) mạng lưới trường học, từ tháng 7/2012 đến nay TP đã triển khai 995 dự án cải tạo, xây mới trường học các cấp, vượt về tổng số trường so với QH được duyệt.
So với chỉ tiêu Nghị quyết, số trường xây mới và cải tạo cũng tăng cao, trong đó cấp THCS đạt 199%. Đầu tháng 3/2019, Sở đã có tờ trình UBND TP xin phê duyệt điều chỉnh QH này đến năm 2030-tầm nhìn đến 2045, với 1.981 trường được cải tạo, xây mới. Về số trường đạt chuẩn quốc gia, hiện toàn TP đạt 55,1%, trong đó khối công lập dự kiến hết năm 2020 đạt 73,2%.
Tuy nhiên, đối chiếu Nghị quyết 05 và Quyết định 3075, kết quả đến nay thể hiện còn tồn tại nổi bật là một số dự án xây trường trong QH chưa được xây dựng hoặc chưa xong, thiếu trường ở nội thành nhất là trường công lập, các chỉ tiêu (sĩ số, số lớp/trường, số học sinh/lớp) ở một số phường, quận còn cao; phát triển mạng lưới trường theo QH không bắt kịp tốc độ tăng dân số… Các trường thành lập mới tại các địa bàn đô thị hóa nhanh thì còn ít và chưa được chủ đầu tư quan tâm, hoặc do quá trình GPMB thực hiện dự án kéo dài, gây quá tải các trường hiện có.
Tại một số phường, thị trấn (chủ yếu ở 4 quận cũ) do quỹ đất hạn chế nên không đảm bảo có ít nhất 1 trường công lập ở 3 bậc học. Tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn xây trường cho các khu vực có quỹ đất hạn chế chưa có đột phá về số tầng cao, mật độ xây dựng, tầng hầm… Đặc biệt về chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, trong khi các huyện khó khăn về kinh phí đầu tư thì các quận lại nhiều hạn chế về đất để mở rộng trường, do tăng học sinh.
Từ thực tế này, lãnh đạo Sở GD&ĐT đề nghị trên địa bàn TP cần ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời trụ sở cơ quan, bệnh viện… để xây trường học; ưu tiên đầu tư kinh phí xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cấp THPT bởi đây là cấp có tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp; khuyến khích xã hội hóa việc xây dựng trường học tại những khu vực chuyển đổi chức năng để xây khu ở, khu tập thể cũ được cải tạo, xây dựng lại trong khu vực nội đô lịch sử…
Với việc mua sắm thiết bị, Sở đề nghị UBND TP quan tâm bổ sung kinh phí mua sắm thiết bị dạy học cho khối trực thuộc để các nhà trường chủ động đẩy nhanh tiến độ xây trường chuẩn.
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh: Qua thực tế giám sát và trao đổi của các đơn vị liên quan, có thể thấy ngành GD&ĐT TP đã tích cực triển khai các nghị quyết, chỉ thị của T.Ư và TP về tập trung đầu tư CSVC, trang thiết bị cho các trường học, với quy mô hiện nay lớn nhất cả nước. Đây là yếu tố quan trọng khẳng định Hà Nội là trung tâm GD&ĐT của cả nước.
Dù vậy, từ các hạn chế được chỉ ra, Trưởng đoàn giám sát khẳng định Ban sẽ tổng hợp các ý kiến, thông tin từ đợt giám sát để đề xuất về cơ chế, chính sách liên quan công tác xã hội hóa đầu tư không chỉ cho tổng thể mà có thể cho từng hạng mục CSVC các trường học. Liên quan đến hạn chế nổi bật là tình trạng quá tải cục bộ tại các trường nhất là những quận lõi (nâng tầng cao trường, di dời cơ sở các cơ quan T.Ư trên địa bàn…), các sở cần quan tâm có báo cáo đề xuất với các cơ quan T.Ư. Về cơ chế tài chính cụ thể giúp Sở GD&ĐT mua sắm các hạng mục trang thiết bị nhỏ cho các trường, Ban Văn hóa-Xã hội sẽ trao đổi thêm với các ban của HĐND TP. Riêng về đầu tư trường học trong các khu đô thị, số liệu thu được chưa đầy đủ, nên Trưởng đoàn đề nghị các sở, ngành lưu ý thu thập đầy đủ về thực trạng này thì mới có thể đưa ra giải pháp hiệu quả.