Nhiều sai phạm của chính quyền phường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 11/9 có bài “Tại phường Đại Kim, quận Hoàng...

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày 11/9 có bài “Tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai: Thu hồi quyền quản lý chợ sai quy định?” phản ánh việc cán bộ, xã viên Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đại Từ (HTX Đại Từ) bức xúc về việc UBND phường Đại Kim thu hồi quyền quản lý, kinh doanh chợ Đại Từ sai quy định, xâm phạm đến quyền và lợi ích của hàng trăm xã viên. Xung quanh vụ việc này, Thanh tra UBND quận Hoàng Mai đã chỉ ra nhiều sai phạm của chính quyền phường Đại Kim.

Phường cố tình làm trái luật?

Về việc thu hồi quyền quản lý chợ Đại Từ, bà Vũ Thị Ngà - Chủ nhiệm HTX Đại Từ cho biết, ngày 10/1/2014, UBND phường Đại Kim đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi quyền quản lý chợ Đại Từ do HTX Đại Từ đang khai thác và quản lý để giao cho Tổ quản lý dịch vụ do UBND phường Đại Kim thành lập để quản lý.
Hoạt động buôn bán tại chợ Đại Từ.
Hoạt động buôn bán tại chợ Đại Từ.
Điều đáng nói, trước và trong thời gian cưỡng chế thu hồi chợ của HTX, UBND phường Đại Kim và UBND quận Hoàng Mai không tổ chức bất kỳ cuộc họp nào với Ban Chủ nhiệm HTX và với xã viên để thông báo lý do cũng như nghe ý kiến người dân. Việc thu hồi cưỡng chế như vậy khiến tài sản của hàng ngàn nhân khẩu mất trắng trong thời gian 4 ngày (từ ngày 6/1/2014 ra Quyết định và ngày 10/1/2014 tổ chức cưỡng chế). Thậm chí, UBND phường Đại Kim không giao Quyết định số 06/QĐ-UBND cho HTX Đại Từ(?).

Cũng theo bà Ngà, khi HTX Đại Từ khiếu nại về lý do thu hồi, cưỡng chế trái luật, ngày 14/5/2014 UBND phường Đại Kim có Quyết định số 104/QĐ-CTUBND cho rằng: UBND đánh giá hơn 10 năm quản lý chợ không đạt hiệu quả, chất lượng dịch vụ kinh doanh khai thác chợ và quản lý chợ chưa đảm bảo, thường xuyên để cho một số tiểu thương lấn chiếm lòng đường để kinh doanh, bày bán hàng gây cản trở cho người tham gia giao thông, mất mỹ quan đô thị, chưa chấp hành nộp thuế cho Nhà nước… Thế nhưng, trên thực tế,  từ khi vào hoạt động, hàng năm, HTX Đại Từ luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách địa phương và hoàn thành nhiều hoạt động xã hội khác.

Về vụ việc nêu trên, qua nghiên cứu hồ sơ, Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Quyết định 06 không nêu rõ lý do vì sao lại hủy Quyết định số 312/QĐ-UB ngày 3/12/2003 của UBND xã Đại Kim về việc tạm giao chợ Đại Từ cho Ban Quản trị HTX Đại Từ quản lý kinh doanh (trong khi, quyết định tạm giao này đã kéo dài 11 năm)… HTX Đại Từ không vi phạm, công tác quản lý chợ được thực hiện tốt, kinh doanh chợ được phát triển. Hàng năm, HTX đều nộp phí kinh doanh cao cho Nhà nước, tạo công ăn việc làm cho các xã viên. Điều này thể hiện tại Quyết định 12/2012 của TP Hà Nội về việc ban hành quy chế phát triển và quản lý chợ trên địa bàn TP thì những chợ hạng 3 đang được các DN hay HTX quản lý hiệu quả thì không phải chuyển đổi mô hình quản lý. Về vốn đầu tư chợ do xã viên HTX đóng góp xây dựng từ hàng chục năm qua. Chợ Đại Từ được coi là tài sản của HTX. Do vậy, việc UBND phường Đại Kim tự ý thu hồi và quản lý khi không có sự bàn giao và làm việc cụ thể với HTX về nguồn vốn đầu tư chợ là không đúng theo quy định…

Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch phường

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lã Văn Hưởng - Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàng Mai cho biết: Khu đất chợ Đại Từ có nguồn gốc thuộc địa giới hành chính xã Đại Kim, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 2003, UBND huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng chợ dân sinh với diện tích 2.001m2. Ngày 1/1/2014, sau khi tiếp quản, UBND xã Đại Kim tạm giao cho HTX Đại Từ quản lý theo Quyết định 312/QĐ-UB ngày 3/12/2003 để sử dụng làm chợ. Việc UBND phường Đại Kim ra Quyết định tạm giao cho HTX Đại Từ như vậy là không đúng với Nghị định 02/2003 của Chính phủ. Trước những sai phạm liên quan chợ Đại Từ, UBND quận Hoàng Mai đã có Quyết định thu hồi quyền quản lý chợ Đại Từ để giao lại quyền quản lý theo đúng quy định. Tới đây, quận sẽ tiếp nhận hồ sơ DN, HTX tham gia đấu thầu quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Trong việc tham gia đấu thầu này, phía HTX Đại Từ sẽ được điểm cộng.

Liên quan đến vụ việc trên, tại Kết luận Thanh tra số 10/KL-UBND của UBND quận Hoàng Mai chỉ rõ: HTX Đại Từ có nhiều vi phạm trong quản lý tài chính như: Không xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ dẫn đến các nội dung chi phát sinh tại đơn vị không đúng quy định, sử dụng hóa đơn do đơn vị cung cấp không có chức năng thực hiện... Việc tự san lấp, xây dựng không phép của HTX để mở rộng chợ vi phạm Luật Đất đai, Luật Xây dựng.

Đồng thời, Kết luận cũng chỉ ra nhiều sai phạm của UBND phường Đại Kim. Cụ thể, UBND phường Đại Kim là cơ quan có trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, UBND phường không chủ động kịp thời, kiên quyết trong việc xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Là đơn vị quản lý khu đất thuộc thửa đất số 247 tờ bản đồ số 04, hệ bản đồ 299 là đất công do UBND phường Đại Kim quản lý, để HTX tự ý san lấp mở rộng chợ Đại Từ, xây dựng không phép khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời. Như vậy, Chủ tịch UBND phường đã không thực hiện đúng khoản 2, Điều 143 Luật Đất đai 2003 quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai.

Năm 2003, UBND xã Đại Kim ra Quyết định số 312 về việc tạm giao chợ Đại Từ cho HTX Đại Từ quản lý và tổ chức kinh doanh, hàng tháng nộp lệ phí chợ cho UBND xã, nay là UBND phường. Từ năm 2009 - 2012, UBND phường Đại Kim ra quyết định về việc thu lệ phí chợ và giao chỉ tiêu chợ Đại Từ nộp về UBND phường. UBND phường Đại Kim không thực hiện đúng Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND, nay là Quyết định số 4176/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội và Quyết định số 142/2004/QĐ-UBND, nay là Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy định phát triển và quản lý các chợ trên địa bàn TP Hà Nội. Trách nhiệm quản lý thuộc về UBND phường Đại Kim (từ năm 2005 đến nay)…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần