Nhiều sáng kiến giúp giảm nóng cho nhân viên y tế chống dịch Covid-19

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã nghiên cứu giải pháp thiết bị cấp khí sạch làm mát cho từng cá nhân, chất vải áo blouse, thấm mồ hôi, thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt giúp giảm sức nóng cho các y bác sĩ chống dịch.

Trong thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài tại tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh thành lân cận hiện nay, đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ ở ngoài trời phải mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy định phòng dịch đã gặp phải rất nhiều khó khăn, vất vả khi đi làm nhiệm vụ.
 Thiết bị làm mát khi mang trang phục bảo hộ chống dịch do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường sản xuất thử nghiệm
Trước tình hình đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã nghiên cứu giải pháp cấp khí sạch cho từng cá nhân, chất vải áo blouse, thấm mồ hôi, thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt giúp giảm sức nóng cho các y bác sĩ chống dịch.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế, PGS.TS Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cho biết, theo quy định, nhân viên y tế tham gia chống dịch bắt buộc phải mặc bộ đồ bảo hộ 4 cấp tùy theo vị trí làm việc. Bộ đồ  bảo hộ giúp nhân viên y tế bảo vệ khỏi lây nhiễm. Để tránh lây nhiễm, trang phục may liền bằng chất liệu chống thấm nước, thêm khẩu trang, mũ, găng, ủng, làm tăng nhiệt độ bên trong, khiến cơ thể ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở. Trong khi, thời tiết khắc nghiệt bởi nắng nóng gay gắt mùa hè khiến người mang bảo hộ càng khó chịu. Sự bất tiện khi vệ sinh, ăn uống... cũng làm cho nhân viên y tế nhanh mất sức.
 Thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế chống dịch cũng đã được đưa ra. Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng đã nghĩ đến phương án dùng quạt làm mát. Tuy nhiên, dùng quạt (quạt công nghiệp) không khả thi vì quạt sẽ thổi bụi lên, thổi từ người nọ sang người kia, tăng ô nhiễm do khuếch tán.
Còn giải pháp xử lý thông gió cá nhân dạng bán mặt nạ, hiện nay trên thị trường đã có mũ thổi thông khí (gọi là mũ chống dịch) của Công ty Vihem, có thể giải quyết một phần nóng và khó chịu. Tuy nhiên, sản phẩm này khá khan hiếm (vì công ty đã xuất khẩu hết) giá thành lại cao, 140 USD/mũ nên khó trang bị đại trà. Đáng nói là đội mũ này chỉ giải quyết làm mát được mỗi khuôn mặt của nhân viên y tế, còn cơ thể của họ vẫn bị nóng nực, khó chịu.
Trước vấn đề này, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường nghiên cứu ra giải pháp thiết bị cấp khí sạch làm  mát cho từng cá nhân. Cụ thể, Viện đã chế tạo ra thiết bị cấp khí sạch, làm mát để trang bị cho những người phải mang các bộ bảo hộ đặc biệt, trong môi trường khắc nghiệt do nhiệt độ cao. Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, cấp thẳng khí vào trong người. Khi cán bộ, nhân viên y tế làm việc trong một thời gian, hệ thống quạt sẽ cấp khí tươi tỏa ra khuôn mặt và người. Không khí này đã được lọc sạch qua hệ thống màng đặc biệt và cân bằng nhiệt độ, đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm. Đây là giải pháp khả thi nhất hiện nay.
 Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cùng các đơn vị tặng mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt cho CDC Hà Nội.
“Tuy nhiên, đến nay, viện mới chỉ sản xuất thử nghiệm một số lượng nhỏ. Trong khi, để trang bị phương tiện này cho từng người sẽ khá tốn kém. Chúng tôi là viện nghiên cứu nên không có kinh phí sản xuất, mong muốn có đơn vị hợp tác, tài trợ cho sản xuất, hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng đủ lớn, tăng cường cho vùng dịch” - PGS.TS Doãn Ngọc Hải chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Doãn Ngọc Hải, hiện nay, nhân viên y tế đang mặc là quần áo blouse bình thường, không phải vải hút nhiệt, không thấm mồ hôi nên Viện đã nghiên cứu chất vải áo blouse, thấm mồ hôi, giúp giảm sức nóng cho các y bác sĩ. Ngoài ra, Viện cũng có thiết bị mũ chống dịch có gắn thiết bị làm mát vùng đầu mặt. Đơn vị đang tìm nguồn tài trợ, sản xuất các thiết bị làm mát toàn thân, trang bị cho những người buộc phải mang bộ bảo hộ chống dịch, đặc biệt khi thời tiết nắng nóng.
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế ở các điểm nóng của dịch, PGS.TS Doãn Ngọc Hải cho rằng, người làm trực tiếp tại tâm dịch không nên làm việc trong điều kiện phải mang bảo hộ kín liên tục nhiều giờ cần được thay ca sau 2 - 3 tiếng, tránh để kiệt sức. Ngoài ra, các cơ sở cần chia nhỏ ca làm việc và có giải pháp hỗ trợ cho người mang bảo hộ bớt bị "hấp nhiệt" trong trang phục bí, nóng.
Ngoài ra, các cơ sở cần quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, đặc biệt là nhân viên y tế. Trong đó, nhân viên y tế phải được uống đủ nước, ăn uống đầy đủ, thay phiên nhau làm việc để có thời gian nghỉ ngơi, tránh kiệt sức trong thời tiết nắng nóng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần