Nhiều thách thức về môi trường và tài nguyên nước

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu, vấn đề môi trường hiện đang đặt ra rất nhiều thách thức cho toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Cùng với những yếu tố liên quan đến nước và tài nguyên từ nước, tình hình khí tượng hiện nay cũng đang khiến công tác dự báo phải nỗ lực không ngừng.

Công nhân vận hành tại nhà máy nước Yên Phụ. Ảnh: Thanh Hải
Lượng nước có sẵn chỉ chiếm khoảng 37%

Theo thông tin từ Bộ TN&MT, hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể tăng lên tới 30% so với hiện nay. Nông nghiệp hiện sử dụng khoảng 70% lượng nước toàn cầu, chủ yếu là để tưới tiêu - con số này sẽ tăng lên ở các vùng có áp lực nước và mật độ dân số cao. Ngành công nghiệp chiếm 20% tổng nhu cầu sử dụng nước, chủ yếu là dùng trong ngành công nghiệp năng lượng và sản xuất. 10% còn lại sử dụng cho sinh hoạt - tỷ lệ sử dụng nước uống chỉ nhỏ hơn 1%. Trên toàn cầu, ước tính trên 80% lượng nước thải xả ra môi trường tự nhiên mà không được xử lý hoặc tái sử dụng.
Với đặc thù nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, lượng nước mùa lũ chiếm tới 70 - 80% lượng nước cả năm và thường gây ra lũ lụt, Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng từ 1.400 - 3.000 giờ/năm, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm². Do ảnh hưởng của gió mùa và sự phức tạp về địa hình nên Việt Nam thường chịu tác động mạnh về thời tiết như bão, lũ lụt, hạn hán...

Tại Việt Nam, lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310 - 315 tỷ mét khối/năm) – tạm gọi là lượng nước có sẵn, còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ. Nhu cầu về nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất tăng nhanh đặt ra những thách thức to lớn về an ninh nguồn nước. Thời gian qua, công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm ở Việt Nam đã được chú trọng và tăng cường. Việc tổ chức thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn hơn 50 tỉnh, TP trong cả nước cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Tính đến hết tháng 2/2019, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã khoanh định các vùng có khả năng chứa nước, đánh giá các nguồn nước dưới đất; xác định các nguồn có khả năng cung cấp nước phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân tại 108 vùng, thuộc 21 tỉnh. Tổng số công trình đủ điều kiện để có thể bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng là 236 công trình, với tổng lưu lượng khai thác đạt 72.720m3/ngày. Các công trình khai thác đã được kết cấu, xây dựng kiên cố, đạt mục tiêu khai thác, sử dụng lâu dài với lưu lượng đảm bảo và chất lượng nước tốt, đủ đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho 1,2 triệu người với định mức 60 lít/người/ngày.

Mạng lưới quan trắc còn mỏng

Cùng với những vấn đề đặt ra cho tài nguyên nước, các bất lợi về khí tượng trong thời gian gần đây cũng khiến ngành Khí tượng thủy văn (KTTV) của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức.

Theo PGS.TS Trần Hồng Thái - Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, từ những đặc thù điển hình về thời tiết khí hậu, mạng lưới trạm quan trắc KTTV có lịch sử gần 120 năm và hiện nay vẫn luôn được quan tâm, phát triển với hơn 600 trạm khí tượng, thủy văn, hải văn, ra đa thời tiết, định vị sét và gần 800 trạm, điểm đo mưa. Mạng lưới này đã và đang từng bước được nâng cấp hiện đại hóa, tự động hóa để đo đạc, thu thập đầy đủ, kịp thời, chính xác số liệu KTTV phục vụ tốt công tác dự báo KTTV và giám sát biến đổi khí hậu. Công nghệ dự báo KTTV được thực hiện theo hướng mô hình hóa, tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực dự báo bão, mưa lớn, lũ, cảnh báo lũ quét, dự báo sóng biển, nước dâng do bão hay gió mùa.

Những nỗ lực phát triển của ngành KTTV đã bước đầu đáp ứng yêu cầu dự báo, cảnh báo; góp phần quan trọng làm giảm 2/3 thiệt hại do thiên tai gây ra (số liệu năm 2018 so với năm 2017). Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Hồng Thái, để ngành KTTV phát triển bền vững và hiệu quả, bên cạnh việc cần có chính sách thu hút nhân tài cho ngành KTTV, việc bố trí đủ nguồn lực cho các hoạt động KTTV quan trọng không thể xem nhẹ.

“Mạng lưới quan trắc của chúng ta hiện còn mỏng, công nghệ dự báo chưa đồng bộ so với các nước trên thế giới. Đặc biệt, chúng ta gần như không có mạng lưới quan trắc trên biển. Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, họ đã thực hiện việc kết nối vạn vật để khai thác triệt để thông tin KTTV với các thông tin khác trong TP thông minh để phục vụ cho phát triển các ngành nông nghiệp, trong điều hành của ngành điện, du lịch và đời sống dân sinh… mang lại nguồn lực rất lớn, tạo ra giá trị gia tăng và quay lại tái đầu tư trong ngành KTTV. Chúng ta cần tạo cơ chế chính sách và khuyến khích các bộ, ngành, DN sử dụng thông tin KTTV để biến cái đơn thuần là bán số liệu KTTV sang một hình dạng mới là tạo ra giá trị gia tăng từ dịch vụ thời tiết của ngành KTTV” - PGS.TS Trần Hồng Thái đề nghị.
Với chủ đề “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” (Ngày Nước thế giới 22/3) và “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết” (Ngày Khí tượng thế giới 23/3), nhiều hoạt động thiết thực vì môi trường đang được Bộ TN&MT phối hợp tổ chức là tâm điểm chú ý trong cuối tuần này: Công bố và bàn giao sản phẩm tài nguyên nước; khai mạc Tuần lễ nước quốc tế Việt Nam năm 2019 (VACI 2019); hội thảo “Giải pháp nước thông minh – Không để ai bị bỏ lại phía sau”; Triển lãm ảnh về bảo vệ tài nguyên môi trường và sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên nước; tọa đàm “Mặt trời, Trái đất và Thời tiết - Hành động của chúng ta”; Gắn biển Công trình Trạm Khí tượng trên 100 năm lịch sử tại Trạm Khí tượng Phù Liễn, Hải Phòng; Hội thi Quan trắc viên giỏi Đài KTTV khu vực Đông Bắc…