Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều thanh, thiếu niên chống người thi hành công vụ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo một cán bộ CSGT Công an Hà Nội, thời gian gần đây, những đối tượng chống người thi hành công vụ không phải là đối tượng hình sự nguy hiểm mà chủ yếu là thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ...

KTĐT - Theo một cán bộ CSGT Công an Hà Nội, thời gian gần đây, những đối tượng chống người thi hành công vụ không phải là đối tượng hình sự nguy hiểm mà chủ yếu là thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ... 

Bất chấp những nỗ lực của CSGT, nhiều người vi phạm TTATGT tìm mọi cách gây trở ngại cho lực lượng thừa hành nhiệm vụ. Đáng chú ý, gia tăng hiện tượng chống người thi hành nhiệm vụ, làm phức tạp thêm tình hình TTATGT...

Chống CSGT vì sợ bị phạt

Vụ một chiến sỹ Đội CSGT số 4, Công an Hà Nội bị lái xe taxi "hất" lên nóc capô trưa 13/12 đã làm "nóng" thêm tình trạng người tham gia giao thông vi phạm chống đối người thi hành công vụ trên địa bàn Hà Nội.

Trong lúc cùng tổ công tác kiểm tra, xử lý ôtô vi phạm dừng đỗ trên phố Đoàn Trần Nghiệp, quận Hai Bà Trưng, Trung úy Nguyễn Hồng Hải - Đội CSGT số 4 đã bị lái xe taxi 4 chỗ hiệu Chevret BKS 30U-2616 của hãng Bảo Việt "hất" lên nóc capô rồi bỏ chạy. Khi đến phố Lê Đại Hành, bị người dân và tổ công tác truy đuổi ráo riết, lái xe taxi mới chịu dừng lại.

Trưa 14/12, khi tiếp xúc với phóng viên Báo CAND, Lại Văn Đức (22 tuổi), quê Văn Chấn, Yên Bái, lái xe taxi hãng Bảo Việt tỏ ra rất ăn năn, hối hận về hành vi chống người thi hành công vụ của mình. Theo Đức trình bày, cậu ta vào làm tại hãng taxi Bảo Việt từ tháng 11/2009. Chưa đầy 1 tháng hành nghề nhưng Đức không nhớ nổi bao nhiêu lần đã bị xử lý vi phạm Luật Giao thông.

"Do hãng taxi này mới hoạt động, khách điều hành từ tổng đài không nhiều nên em phải bắt khách ngoài. Lỗi vi phạm chủ yếu mà em bị xử phạt là dừng đón trả khách không đúng nơi quy định. Bị phạt nhiều quá nên khi nhìn thấy chú CSGT kiểm tra, biết mình đã vi phạm, em sợ quá bỏ chạy, không nghĩ gì" - Đức lý giải về hành vi vi phạm của mình.

Nghe Đức trình bày, chúng tôi rất thông cảm với những khó khăn của một lái xe taxi mới vào nghề như cậu ta, nhưng vì lý do đó mà liên tục vi phạm Luật Giao thông thì không thể chấp nhận được, nhất là hành vi lái xe bỏ chạy, gây nguy hiểm đến tính mạng của CSGT khi phải đu bám trên capô ôtô suốt chặng đường Đức bỏ chạy.

Sau khi bị bắt giữ, Đức liên tục khóc lóc, xin tha. Nhưng sự hối hận muộn màng ấy đã không thể giúp ích gì cho cậu ta được, bởi hành vi chống người thi hành công vụ của Đức là nghiêm trọng...

Một nạn nhân của tình trạng người vi phạm Luật Giao thông chống người thi hành công vụ là Đại úy Nguyễn Văn Cẩn - Đội CSGT số 7 Công an Hà Nội. Sau hơn 2 tháng điều trị, sức khỏe của Đại úy Cẩn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Trước đó, khoảng 18h ngày 1/10, trong khi làm nhiệm vụ tại ngã ba Nguyễn Trãi - Khương Đình, phát hiện một thanh niên đi xe máy vượt đèn đỏ, Đại úy Cẩn đã ra hiệu lệnh dừng xe. Đối tượng không chấp hành mà lao thẳng xe máy làm Đại úy Cẩn ngã xuống đường, bị chấn thương sọ não.

Bất bình trước hành vi trên, người dân đã truy đuổi đến cùng và bắt giữ được đối tượng là Lê Văn Cường (21 tuổi), ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Khi bị bắt giữ, Cường không xuất trình được giấy tờ xe cũng như giấy tờ tùy thân.

Một loại tội phạm nguy hiểm

Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xảy ra 82 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành nhiệm vụ. Tình trạng người vi phạm giao thông chống lại lực lượng đang thừa hành nhiệm vụ xảy ra nhiều ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng... Đáng chú ý, tội phạm chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực ATGT có xu hướng "trẻ hóa".

Theo một cán bộ CSGT Công an Hà Nội, thời gian gần đây, những đối tượng chống người thi hành công vụ không phải là đối tượng hình sự nguy hiểm mà chủ yếu là thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT như chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ...

Khi bị lực lượng Công an kiểm tra, xử lý, những người vi phạm cho rằng lỗi của họ là bình thường, tìm cách xin xỏ. Xin không được, các đối tượng này quay sang chửi bới, nhục mạ và chống đối bằng nhiều cách như xé biên bản, giật mũ, áo... Nhiều đối tượng liều lĩnh lao thẳng xe vào lực lượng làm nhiệm vụ hoặc dùng vũ khí tấn công.

Mới đây nhất, ngày 10/12, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ Trần Danh Tuyên - lái xe ôtô đâm chết một cán bộ Thanh tra giao thông. Đây được coi là vụ người vi phạm giao thông chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ nghiêm trọng nhất trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm 2009 đến nay... Xét hành vi giết người có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, Hội đồng xét xử đã phạt Tuyên mức án tù chung thân.

Thiếu ý thức khi tham gia giao thông, thiếu hiểu biết về Luật Giao thông ở các đối tượng vi phạm là quá rõ. Song, việc các đối tượng liều lĩnh chống đối lực lượng thừa hành pháp luật bằng mọi cách như trên thì đây phải được coi là một loại tội phạm nguy hiểm... Mặt khác, cũng cho thấy pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng cố ý chống đối người thi hành công vụ khiến số vụ chống đối ngày càng gia tăng...